Ngày 7/10, Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB) - một tổ chức phi lợi nhuận - công bố ước tính về tác động kế hoạch chính sách của hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Theo đó, kế hoạch thuế và chi tiêu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể khiến thâm hụt ngân sách nước này tăng 3.500 tỷ USD trong 10 năm tới. Con số này với kế hoạch của ông Donald Trump là 7.500 tỷ USD.
Đây là "ước tính trung bình" của CRFB, dựa trên các đề xuất được cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Đến nay, Trump cam kết đưa ra nhiều chính sách giảm thuế, trong đó gia hạn mức giảm thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ năm 2017 và hết hiệu lực năm tới). Tiền hoa hồng, trợ cấp an sinh xã hội và làm thêm giờ cũng không bị đánh thuế. Đổi lại, ngân sách được bù đắp bằng việc tăng thuế nhập khẩu, có thể mang lại cho chính phủ Mỹ 2.700 tỷ USD, theo ước tính của CRFB.
Trong khi đó, bà Harris cam kết tăng hỗ trợ cho trẻ em và sơ sinh, tăng chi cho chăm sóc người già, cũng như giảm thuế với người mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, bà muốn tăng thuế với các doanh nghiệp và hộ gia đình có thu nhập 400.000 USD một năm trở lên. Chính sách này giúp ngân sách Mỹ có thêm 4.250 tỷ USD, theo ước tính của CRFB.
Dù vậy, công bố của CRFB khiến cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ không hài lòng. Người phát ngôn của bà Harris cho rằng nếu đắc cử, bà sẽ làm giảm, chứ không tăng thâm hụt ngân sách. Brian Hughes - cố vấn cấp cao của ông Trump cũng khẳng định kế hoạch của họ "giúp giảm các khoản chi lãng phí, hạ lạm phát và gánh nặng tiền lãi vay, từ đó vực dậy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách".
Cả ông Trump và bà Harris đang tăng tốc chiến dịch vận động tranh cử, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11. Kinh tế luôn là vấn đề chi phối trong những lần bầu cử trước. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy công chúng Mỹ tin tưởng ông Trump hơn bà Harris trong vấn đề điều hành kinh tế.
Hà Thu (theo Reuters)