Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như quyết tâm chấm dứt các nỗ lực cách biệt cộng đồng vào Lễ Phục sinh 12/4. Tại một cuộc họp báo hôm 24/3, ông nhắc lại kế hoạch thu hẹp các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 trong vài tuần tới, bất chấp lời cảnh báo từ giới chuyên gia rằng để chặn đứng sự lây lan của nCoV có thể phải mất nhiều tháng.
Trả lời phỏng vấn Fox News cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố nền kinh tế Mỹ sẽ "mở trở lại" vào Lễ Phục sinh và các nhà thờ trên khắp đất nước sẽ "chật kín người".
"Thật là một kế hoạch tuyệt vời", Trump nói.
Những ngày gần đây, Trump thường xuyên đưa ra các phát ngôn đi ngược lại lời khuyên từ giới chức y tế rằng biện pháp cách biệt cộng đồng cần thời gian từ vài tháng trở lên mới phát huy hiệu quả.
"Nước Mỹ sẽ sớm mở cửa kinh doanh trở lại. Rất sớm. Sớm hơn nhiều so với thời gian ba hay 4 tháng mà nhiều người đã đề xuất. Sớm hơn rất nhiều. Chúng ta không được để phương thuốc trở thành thứ tồi tệ hơn cả căn bệnh", Trump hôm 23/3 nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đã vạch rõ rủi ro của việc kết thúc biện pháp cách biệt cộng đồng sớm, chỉ thực hiện vài tuần thay vì vài tháng.
"Không ai muốn gặp phải tình huống hiện nay. Nhưng việc kêu gọi chấm dứt cách biệt cộng đồng sớm hay mong muốn làm điều này đều cho thấy sự thiếu quan tâm tới sức khỏe cộng đồng. Chấm dứt sớm không mang đến bất kỳ tác động tích cực nào", Jen Kates, giám đốc y tế toàn cầu và chính sách HIV tại Quỹ Gia đình Kaiser, trụ sở ở San Francisco, Mỹ, bình luận.
Thay vào đó, kết thúc cách biệt cộng đồng sớm còn có nguy cơ khiến số ca tử vong vì nCoV tăng cao hơn. "Nhiều người sẽ bị lây nhiễm hơn. Nhiều người sẽ bị ốm hơn và nhiều người sẽ chết", Kates nhấn mạnh.
Các mô hình dịch tễ học đều hỗ trợ cho nhận định trên. Chúng cho thấy số ca nhiễm nCoV sẽ tăng nếu các biện pháp cách biệt cộng đồng bị nới lỏng, tiềm ẩn nguy cơ khiến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người chết vì dịch bệnh tại Mỹ.
Tuy nhiên, Trump có lẽ quan tâm hơn đến tác động của biện pháp cách biệt cộng đồng tới nền kinh tế khi hàng loạt nhà hàng, cửa tiệm cũng như doanh nghiệp đang phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động và người dân Mỹ được lệnh hạn chế ra khỏi nhà.
Khi bị hỏi dồn dập về lịch trình kết thúc cách biệt cộng đồng vào Lễ Phục sinh, Trump cho biết nó được đưa ra dựa trên "trực giác" chứ không phải số liệu thực tế. Lễ Phục sinh "là thời gian tuyệt vời". Trump nói. "Đó sẽ là một kế hoạch tuyệt vời". Chưa rõ Tổng thống Mỹ nghiêm túc tới đâu trong việc thực hiện mục tiêu này.
Lịch sử đã có nhiều bằng chứng cho thấy các nguy cơ khi kết thúc cách biệt cộng đồng quá sớm.
Năm 1918, thế giới chịu tổn thất nặng nề khi đại dịch cúm Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của hơn 100 triệu người trên toàn cầu, trong đó Mỹ ghi nhận khoảng 675.000 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các thành phố trên khắp nước Mỹ đã áp dụng biện pháp cách biện cộng đồng ở nhiều cấp độ khác nhau. Dựa trên một số nghiên cứu, những biện pháp này đã có tác dụng làm giảm tổng số người chết.
Nhưng nhiều thành phố, cũng vì lo ngại cách biệt cộng đồng gây ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế, đã vội vã kết thúc sớm. Kết quả là số ca nhiễm và tử vong vì cúm tăng trở lại, thậm chí còn cao hơn trước khi áp dụng cách biệt cộng đồng.
Qua phân tích dữ liệu tại 43 thành phố, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) chỉ ra rằng xu hướng trên lặp lại trên khắp cả nước. Howard Markel, giám đốc Trung tâm Lịch sử Y khoa Đại học Michigan, tác giả nghiên cứu, kết luận khi áp dụng biện pháp cách biệt công đồng, số ca nhiễm cúm giảm, khi hủy bỏ, số ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại.
Đáng chú ý, hiện tượng số ca tử vong tăng lần hai chỉ xuất hiện ở những thành phố loại bỏ biện pháp cách biệt cộng đồng.
"Trong 43 thành phố, chúng tôi không tìm thấy thành phố nào có số ca nhiễm cúm xác lập đỉnh lần hai một khi những biện pháp can thiệp phi y tế ban đầu vẫn còn hiệu lực", nghiên cứu cho hay.
Một nghiên cứu khác đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS) vào năm 2007 khảo sát số liệu tại 17 thành phố và cũng phát hiện xu hướng tương tự: "Sóng nhiễm bệnh lần hai chỉ xuất hiện sau khi các biện pháp can thiệp phi y tế được dỡ bỏ".
Nền y học thế giới đã thay đổi đáng kể từ năm 1918 đến nay. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp phi y tế nhằm đối phó với dịch bệnh như cách biệt cộng đồng vẫn chứng minh tính hiệu quả, đặc biệt khi vaccine trị bệnh chưa được phát triển, giới chuyên gia nhận định. Tương tự với Covid-19, cách biệt cộng đồng trong ít nhất vài tháng là biện pháp cần thiết, như nghiên cứu của PNAS kết luận: "Cho tới khi năng lực sản xuất vaccine khẩn cấp tăng lên, trong trường hợp có đại dịch nghiêm trọng, các thành phố cần duy trì can thiệp phi y tế trong thời gian dài hơn 2 - 8 tuần. Đây là trường hợp của dịch cúm 1918".
Đến nay, chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Covid-19 sẽ sớm chấm dứt tại Mỹ. Đây là một lý do khác khiến nhà chức trách cần tiếp tục áp dụng cách biệt cộng đồng.
Mỹ đã ghi nhận gần 55.000 ca nhiễm nCoV và gần 800 người chết. Các trường hợp xác nhận nhiễm virus vẫn tăng theo cấp số nhân.
Các chuyên gia và quan chức y tế công cộng vẫn phàn nàn về việc Mỹ đang lúng túng trong phản ứng trước dịch bệnh. Năng lực xét nghiệm virus chưa đủ đáp ứng. Người dân vẫn phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ không thể được xét nghiệm dù xuất hiện triệu chứng. Bên cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế nói họ đang thiếu thiết bị bảo hộ trầm trọng trong khi vẫn phải chăm sóc cho bệnh nhân.
"Chọn tùy tiện một thời điểm khi mà chúng ta chưa thể tăng cường khả năng xét nghiệm và giải quyết vấn đề nguồn cung cho hệ thống bệnh viện... có thể dẫn đến thảm họa", Jen Kates nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Vox)