Trong một cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi giọng điệu khi ca ngợi mối quan hệ "tuyệt vời" với Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, nói thêm rằng các thống đốc sẽ "rất vui" với động thái sắp tới của chính quyền liên bang.
"Thống đốc tại các địa phương sẽ nắm quyền chỉ huy. Chúng tôi sẽ theo sau và hy vọng họ có thể đảm nhiệm công việc. Tôi nghĩ họ làm được", Trump cho biết, đồng thời cam kết cung cấp sự hỗ trợ từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cũng như các cơ quan liên bang.
Tuy nhiên, phát ngôn của Trump dường như không thể thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa Nhà Trắng với những quan chức trên tuyến đầu chống Covid-19. Chính quyền các thành phố, bang và quốc hội lo ngại Tổng thống Mỹ không có kế hoạch chặt chẽ để huy động toàn bộ thực thể nhà nước và tư nhân đối phó đại dịch, trong khi cuộc khủng hoảng có nguy cơ đẩy hệ thống y tế quốc gia đến bờ vực sụp đổ.
Cảm giác thiếu chắc chắn thêm nghiêm trọng sau những tuyên bố của chính quyền Trump. Peter Gaynor, giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), hôm 22/3 cho biết Tổng thống chưa kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), giúp chính phủ có quyền yêu cầu các công ty đẩy mạnh sản xuất máy thở và khẩu trang.
Phát ngôn của Gaynor mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố của Trump hôm 20/3, rằng ông "đã kích hoạt" đạo luật và "đưa nó vào hiệu lực". "Chúng tôi chưa tiến hành việc đó", Gaynor trả lời CNN khi được hỏi Trump đã yêu cầu các công ty sản xuất vật tư hay chưa, nói thêm rằng DPA là "đòn bẩy" mà chính phủ một lúc nào đó phải sử dụng.
Giám đốc FEMA còn đề tập tới phản ứng của các tập đoàn lớn giữa đại dịch. "Sự vĩ đại của nước Mỹ thực sự tuyệt vời. Tất cả công ty đang hỏi chúng tôi rằng họ có thể giúp gì không", ông nói. Trong bài đăng trên Twitter hôm 22/3, Trump cũng cho biết Ford, General Motors và Tesla đang thúc đẩy sản xuất máy thở và những sản phẩm khác.
Các tập đoàn ôtô thông báo họ đang nghiên cứu tính khả thi của việc sản xuất máy thở. Tuy nhiên, họ không nói trước về tốc độ sản xuất nếu kế hoạch được triển khai giữa lúc khó khăn bủa vây. Ba hãng lớn là Ford, General Motors và Fiat Chrysle đều đình chỉ hoạt động của các nhà máy ở Bắc Mỹ ít nhất đến cuối tháng này do ảnh hưởng của nCoV.
Do đó, việc chính phủ Mỹ lạc quan về khả năng hành động của doanh nghiệp đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các thống đốc, những người trực tiếp đối mặt với số ca nhiễm và tử vong do nCoV không ngừng tăng mỗi ngày.
"Chúng tôi cần các sản phẩm ngay bây giờ", Thống đốc New York Cuomo phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/3. "Tiếng than khóc đang tràn ngập các bệnh viện trên khắp bang. Tôi đã trao đổi với những thống đốc khác và họ cũng rơi vào tình huống tương tự".
Cuomo kêu gọi chính quyền Trump "phải ra lệnh cho các nhà máy sản xuất những vật tư thiết yếu", cũng như kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng càng sớm càng tốt. Ông gọi đây là "khác biệt giữa sự sống và cái chết".
Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 22/3 cho biết thành phố đã ghi nhận 8.000 ca nhiễm nCoV và 60 người chết, đồng thời đề nghị Trump triển khai quân đội tới "thủ phủ tài chính" của đất nước, nơi 8 triệu người đang sinh sống. "Tháng 4 sẽ tệ hơn tháng này rất nhiều, và tình hình tháng 5 có thể xấu hơn nữa. Chúng tôi tin chắc như vậy", ông nói.
Nhiều thống đốc và thị trưởng cũng thừa nhận họ cảm thấy không được trang bị tốt để đối phó với khủng hoảng, đặc biệt trước "làn sóng" bệnh nhân dự kiến tràn ngập các bệnh viện và trung tâm y tế trong thời gian tới. Thống đốc Illinois J.B. Pritzker cho biết bang của ông mới nhận khoảng 1/4 số đồ bảo hộ cá nhân mà họ yêu cầu từ chính quyền liên bang.
"Nói thẳng là đội ngũ của tôi đang gọi điện khắp thế giới nhằm đưa vật tư về Illinois", Pritzker cho hay, đồng thời bày tỏ nỗi lo rằng các địa phương phần nào đó "đang chi tiêu quá tay" bởi Trump thiếu hành động quyết đoán.
Đáp lại bình luận trên, Trump cáo buộc Pritzker thuộc bè phái chống lại ông, nói thêm rằng đây là "một nhóm vô cùng nhỏ gồm những thống đốc nhất định cùng mạng lưới tin tức giả". Tuy nhiên, những người chỉ trích Trump hôm 22/3 không chỉ thuộc phe Dân chủ mà còn cả đảng Cộng hòa, như Thống đốc Maryland Larry Hogan. Ông cho rằng chính quyền Trump, thông qua FEMA, "phải lãnh đạo" công tác trang bị vật tư y tế.
"Chúng ta đạt được một số tiến bộ, nhưng giờ đây nó không đủ nhanh. Chúng ta đã đi chậm một bước", Hogan phát biểu trên kênh NBC khi mô tả sự chật vật của bang Maryland trong việc tìm nguồn vật tư y tế, nói thêm rằng họ không nhận được bất cứ sự đảm bảo nào từ chính quyền liên bang. "Tôi hy vọng không ai tích trữ khẩu trang vì chúng ta đều cần".
Bình luận viên Robert Costa và Aaron Gregg của Washington Post nhận xét những kế hoạch của Trump đều còn mơ hồ. Hôm 18/3, Tổng thống Mỹ nói sẽ chỉ sử dụng thẩm quyền rộng rãi mà DPA quy định "trong tình huống xấu nhất". Nhưng chỉ hai ngày sau, ông tuyên bố đã kích hoạt đạo luật.
Mặc dù vậy, Costa và Gregg cho biết chính phủ Mỹ mới chỉ sử dụng rất ít quyền lực của DPA, trong đó có một điều khoản cho phép họ đặt hàng từ các nhà sản xuất trong nước. Những biện pháp quyết liệt hơn bao gồm thẩm quyền kiểm soát máy bay tư nhân, hoặc sử dụng quỹ liên bang để huy động các ngành công nghiệp khác tham gia ứng phó khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng đều chưa được kích hoạt.
Trong cuộc họp báo hôm 22/3, khi được hỏi lý do không sử dụng thêm quyền lực liên bang theo DPA, Trump cho biết đây là hành động quốc hữu hóa các ngành công nghiệp giống các quốc gia như Venezuela. "Đất nước của chúng ta không dựa trên quốc hữu hóa doanh nghiệp. Đó không phải mô hình tốt", ông giải thích.
Tuy nhiên, các cựu quan chức Lầu Năm Góc tỏ ý phản đối việc chính quyền Trump chưa tận dụng đạo luật. "Tất cả điều này đáng lẽ nên bắt đầu vài tháng trước. Chúng ta đã bị bỏ lại", Bill Greenwalt, nhà tư vấn quốc phòng từng làm việc trong chính quyền cựu tổng thống George W. Bush, nhận định.
Gordon Adams, quan chức dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, cũng đồng tình rằng những nỗ lực hiện nay của chính phủ Mỹ quá muộn màng. "Chúng tôi bắt đầu nghe về những ca bệnh tại Trung Quốc từ hồi tháng 11 năm ngoái. Vì vậy, DPA đáng lẽ nên được kích hoạt vào tháng một hoặc hai. Chúng tôi không có kế hoạch nào", ông nói.
Diễn biến ngày càng nhanh chóng của Covid-19 được cho là sẽ gia tăng áp lực lên Trump và các cơ quan chính phủ trong việc cung cấp thêm hướng dẫn và hỗ trợ. Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, dự đoán cảnh tượng tại New York sắp tới "sẽ rất sốc". "Tôi nghĩ các bệnh viện trong hai tuần tới sẽ đứng bên bờ vực quá tải", ông cho hay.
Trump còn đối mặt với sự chỉ trích từ cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ của ông trong cuộc đua vào Nhà trắng năm nay.
"Ngài Tổng thống, hãy ngừng dối trá và bắt đầu hành động. Hãy sử dụng toàn bộ thẩm quyền của ông để đảm bảo sản xuất mặt hàng thiết yếu và vận chuyển chúng tới nơi cần thiết", Biden phát biểu.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)