Dòng tweet được tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump đăng lại vào tối 27/12 bắt nguồn từ một tài khoản có tên "Surfermom77". Người này tự mô tả bản thân là "ủng hộ Trump 100%". Dòng tweet trên nêu tên "người thổi còi" đã tố giác ông gây sức ép với Ukraine, đồng thời cho rằng người này đã khai man.
Đến sáng 28/12, dòng tweet không còn xuất hiện trên dòng thời gian tài khoản Twitter của Trump nhưng nó vẫn hiển thị với một số người dùng nhất định và có thể truy cập thông qua đường link trực tiếp. Tới tối, Twitter thừa nhận một lỗi kỹ thuật xảy ra đã khiến vài người nhìn thấy dòng tweet Trump chia sẻ lại nhưng số khác thì không.
Suốt nhiều tháng, Trump đã đe dọa tiết lộ danh tính người tố giác, phàn nàn rằng ông có quyền đối mặt với người đã tố cáo mình. Tối 26/12, ông cũng đăng trên Twitter đường link dẫn tới một bài viết của Washington Examiner có đề cập tới tên người tố giác. Tên người được cho là đã tố giác Trump còn xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông bảo thủ khác, trong đó có trang Breitbart News. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận.
Theo luật Mỹ, danh tính của người tố giác phải được bảo mật nhằm giữ an toàn cho họ.
Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra xem xét phế truất Trump hồi tháng 9 sau khi nhận đơn tố giác của một người giấu tên. Ủy ban Tình báo Hạ viện công bố báo cáo điều tra luận tội dài 300 trang ngày 3/12, cho biết bằng chứng về hành vi sai trái và cản trở quốc hội của Trump "rất mạnh mẽ".
Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông, tuy nhiên điều này khó xảy ra do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện. Có hai tổng thống Mỹ từng bị điều tra luận tội trước Trump. Tổng thống Bill Clinton bị luận tội năm 1998 do bê bối với thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky song được tha bổng tại Thượng viện. Tổng thống Andrew Johnson bị luận tội năm 1868 nhưng không bị kết tội tại Thượng viện.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)