Buổi tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden diễn ra từ 21h đến 22h45 ngày 29/9 (8h-9h45 hôm nay giờ Hà Nội) tại hội trường Đại học Case Western Reserve ở Cleveland và do Chris Wallace, người dẫn chương trình của đài Fox News, điều hành. Hai người thống nhất không bắt tay và giữ khoảng cách để tuân thủ quy định giãn cách xã hội, phòng chống lây lan Covid-19.
Không khí buổi tranh luận nóng lên ngay từ câu hỏi đầu tiên khi hai ứng viên liên tục ngắt lời nhau trong phần thảo luận, khiến người dẫn chương trình phải nhiều lần can thiệp và nhắc nhở họ về quy định tranh luận.
Chủ đề đầu tiên xoay quanh Tòa án Tối cao Mỹ và việc đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett thay cố thẩm phán Ruth Ginsburg qua đời hôm 18/9. Biden đặt vấn đề với các bài viết trước đây của thẩm phán Barrett về Đạo luật Chăm sóc Y tế Obamacare, nhưng tránh công kích cá nhân ứng viên Tòa án Tối cao. Trump bảo vệ quyết định thúc đẩy đề cử ứng viên trước cuộc bầu cử và cam kết Barrett sẽ "làm tốt như bất kỳ ai đã phụng sự tại tòa án đó".
Nội dung tranh luận đầu tiên trở nên hỗn loạn khi Trump liên tục ngắt lời Biden và Wallace. Ông chủ Nhà Trắng cắt ngang gần như mọi câu trả lời của Biden về Tòa án Tối cao và các kế hoạch chăm sóc sức khỏe của ứng viên này, cũng như những lời bác bỏ của Biden về cáo buộc từ đối thủ. Sự gián đoạn khiến phần đầu tranh luận không có gì nổi bật về khác biệt chính sách. Biden tỏ ra tức giận và nhiều lần quay sang yêu cầu Trump im lặng.
Trong chủ đề thứ hai, các ứng viên tập trung vào tình hình và cách xử lý đại dịch Covid-19. Biden lập luận rằng không thể tin tưởng cách Trump ứng phó đại dịch Covid-19, cho biết Tổng thống Mỹ từng khuyên người dân tự bảo vệ bản thân khỏi nCoV bằng cách uống chất khử trùng.
Trump cho biết tuyên bố đó của ông chỉ là "cách nói mỉa mai", công kích trí thông minh của đối thủ và so sánh Covid-19 với dịch cúm lợn năm 2009, cáo buộc chính quyền cựu tổng thống Barack Obama cũng xử lý sai lầm với đại dịch. Biden đáp trả bằng cách liệt kê số ca tử vong vì dịch cúm chỉ khoảng 14.000 người, trong khi hơn 200.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19.
Ứng viên đảng Dân chủ nhấn mạnh Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 40.000 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày, cho rằng Tổng thống Trump không có bất kỳ chiến lược, kế hoạch nào để ứng phó với đại dịch dù đã biết rõ mức độ nghiêm trọng của Covid-19 từ sớm. "Mọi người không hoảng loạn, chính ông ấy đã hoảng loạn", Biden nói, đề cập việc Trump trả lời phỏng vấn với nhà báo Bob Woodward rằng ông đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch để tránh tạo ra sự hoảng loạn.
Đề cập vấn đề chính trị hóa vaccine Covid-19, Trump không bác bỏ ý tưởng cho rằng ông đang gấp rút phát triển một loại vaccine trước cuộc bầu cử tháng 11.
Về vấn đề kinh tế, Biden cho rằng Trump phá hỏng mọi lợi thế từ chính quyền trước, trong khi Trump tuyên bố ông đã thúc đẩy phát triển kinh tế trước đại dịch. Cả hai ứng viên đều liên tục cướp lời và chen ngang đối thủ, khiến hai bên không thể đưa ra thông điệp hoàn chỉnh về phương án khôi phục nền kinh tế Mỹ.
Trump chỉ ra mức lương cao hơn và sự tin tưởng của người tiêu dùng để chứng minh cho thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ của mình. Biden cho rằng ngành sản xuất đã hứng chịu nhiều thiệt hại trong 3 năm đầu tiên Trump nắm quyền, nhắc tới thâm hụt ngày càng lớn với Trung Quốc.
Biden cáo buộc Trump không giúp được các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đang khốn đốn vì đại dịch. Đảng Dân chủ cho rằng đất nước đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế hình chữ K sau đại dịch, nghĩa là những người Mỹ giàu nhất đang được hưởng lợi, trong khi tầng lớp trung lưu và những người dưới đáy gặp khó khăn.
Trong phần tranh luận về bản thân hai ứng viên, Trump đề cập đến Hunter Biden, con trai đối thủ, vì thương vụ làm ăn tại Ukraine. Hunter, 50 tuổi, là luật sư và cố vấn đầu tư gây nhiều tranh cãi khi từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao trong các công ty Trung Quốc và Ukraine khi bố làm phó tổng thống. Hunter cũng có nhiều lùm xùm về đời tư và tình ái. Trump và một số chính trị gia đảng Cộng hòa coi Hunter như "gót chân Achilles" của Biden.
Biden khẳng định các cáo buộc của Trump nhắm vào Hunter là "vô căn cứ", đồng thời cho biết ông tự hào vì con trai đã vượt qua được thói nghiện hút để trở lại cuộc sống bình thường. Biden còn chỉ trích Trump không đề cập đến những vấn đề người dân Mỹ đang quan tâm, mà chỉ tập trung công kích đời tư của ông.
Trong các nội dung tranh luận, cả hai ứng viên đều công kích cá nhân đối thủ. Biden gọi Trump là "tên hề", trong khi ông chủ Nhà Trắng thường xuyên xoáy vào trí thông minh của ứng viên đảng Dân chủ. Biden cho rằng nước Mỹ ngày càng "suy yếu" và "chia rẽ " sau khi Trump nhậm chức, mô tả Tổng thống là "cún con của Putin", lặp lại câu nói tương tự của Hillary Clinton 4 năm trước.
Trump liên tục bị gây sức ép về thông tin trên tờ New York Times, trong đó nói rằng ông chỉ trả 750 USD thuế thu nhập liên bang trong năm 2016 và 2017. Tổng thống tuyên bố ông đã trả "hàng triệu USD" tiền thuế thu nhập. Biden phản ứng bằng cách liên tục ép Trump tiết lộ bản khai thuế của mình và Tổng thống tuyên bố ông sẽ sớm làm như vậy. "Ông là tổng thống tệ nhất mà nước Mỹ từng có", Biden nói.
Những lần ngắt lời, tranh cãi liên tục giữa hai ứng viên khiến cuộc tranh luận bị ngắt vụn, các thông điệp hai ứng viên đưa ra không được toàn vẹn, khiến Wallace phải can thiệp, đề nghị cả hai người không "cướp lời" đối thủ trong hai phút trả lời câu hỏi. Người dẫn chương trình thậm chí phải "cầu xin" Trump thực hiện điều này, khi Tổng thống cự nự rằng Biden cũng "ngắt lời không kém".
Cuộc tranh luận chuyển hướng sang biến đổi khí hậu khi Wallace đặt câu hỏi cho hai ứng viên về các vụ cháy rừng tàn phá nhiều khu vực ở Bờ Tây nước Mỹ gần đây.
Trump lặp lại những bình luận trong quá khứ, cho rằng cháy rừng bùng phát do chính quyền địa phương quản lý rừng kém, dù các chuyên gia khí hậu nói rằng các đám cháy chủ yếu là do hạn hán và nắng nóng ở mức kỷ lục, hậu quả của biến đổi khí hậu. Trump cũng công kích Biden vì các chính sách khí hậu của ông, cho rằng các đề xuất của ông sẽ gây ra thảm họa kinh tế.
Khi được hỏi liệu có ủng hộ Thỏa thuận Xanh mới, Biden nói "không" vì ông có kế hoạch khí hậu riêng. Biden thêm rằng ông sẽ tái tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris và đưa ra các tiêu chuẩn môi trường cùng các quốc gia khác, đồng thời đề cập ý tưởng chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Phần cuối cùng của cuộc tranh luận là tính toàn vẹn của bầu cử, Biden tập trung câu trả lời của mình vào việc khuyến khích người Mỹ bỏ phiếu. "Hãy đi bỏ phiếu. Bạn sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử này. Bỏ phiếu, bỏ phiếu, bỏ phiếu", Biden nói và đề cập đến những lần Trump công kích bỏ phiếu qua thư dễ dẫn đến gian lận quy mô lớn, nhấn mạnh chính Trump đã bỏ phiếu qua thư trong những năm gần đây.
Trump lặp lại rằng bỏ phiếu rộng rãi qua đường bưu điện trong bầu cử năm nay sẽ gây ra "gian lận", nhắc tới vụ nhiều phiếu bầu bị vứt vào thùng rác ở bang Pennsylvania tuần trước. Tổng thống tuyên bố người Mỹ có thể không biết kết quả bầu cử suốt "nhiều tháng", dù quan chức bầu cử của cả hai đảng không cho rằng đây là kịch bản đáng lo ngại. Biden đáp lại: "Ông ấy lo sợ việc kiểm phiếu".
Người điều hành Wallace kết thúc cuộc tranh luận khi hỏi hai ứng viên có cam kết kêu gọi bình tĩnh, tránh tuyên bố chiến thắng cho tới khi kết quả bầu cử được xác nhận một cách độc lập hay không. Trump tránh trả lời câu hỏi, cho rằng ông lo lắng về nguy cơ gian lận bầu cử. "Tôi kêu gọi người ủng hộ đến điểm bỏ phiếu và theo dõi chặt chẽ", Tổng thống Mỹ nói. Biden hứa không tuyên bố chiến thắng quá sớm, nhấn mạnh mọi phiếu bầu cần được kiểm tra kỹ.
Thống kê của CNN cho thấy Biden nói nhiều hơn trong giai đoạn đầu tranh luận, nhưng Trump là người có thời lượng nói nhiều nhất trong cả sự kiện với 39 phút 06 giây, trong khi đối thủ của ông có 37 phút 56 giây phát biểu.
"Trong một giờ đầu, Trump kiểm soát hoàn toàn những nội dung thảo luận, phát biểu lấn át cả đối thủ và người điều hành mà không bị cản trở. Rõ ràng Tổng thống đang tìm cách giành chiến thắng trước mắt trong cuộc tranh luận, trong khi Joe Biden dường như đang có những tính toán đường dài. Tuy nhiên, có thời điểm Biden dường như biến mất khỏi sân khấu và hoàn toàn im hơi lặng tiếng", ký giả Jeff Zeleny của CNN nhận xét.
Giới phân tích đưa ra nhiều nhận xét tiêu cực về cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden, cho rằng nó quá hỗn loạn khi các ứng viên liên tục ngắt lời nhau, thậm chí tranh cãi với chính người điều hành Chris Wallace. "Đó giống như một vụ tai nạn tàu hỏa. Đây là cuộc tranh luận tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Nó thậm chí không phải một cuộc tranh luận, đó là nỗi nhục nhã", ký giả Jake Tapper của CNN cho hay.
Một số thành viên đảng Cộng hòa thường ủng hộ Tổng thống Trump như Chris Christie và Rick Santorum cũng cho rằng ông chủ Nhà Trắng đã hành động "thái quá" trong cuộc tranh luận này. Các nhà quan sát cho rằng những cuộc tranh luận như vậy sẽ rất khó xác định được người thắng cuộc, nhưng "kẻ thua" chắc chắn là cử tri Mỹ, khi nó không giúp họ hiểu hơn về chính sách mà lãnh đạo tương lai sẽ thực hiện.
Trump - Biden sẽ tiếp tục đối đầu trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai được tổ chức vào đêm 15/10 (sáng 16/10 giờ Hà Nội). Cuộc tranh luận tổng thống thứ ba, lần đối đầu trực tiếp cuối cùng giữa hai đối thủ trước ngày bầu cử, sẽ diễn ra đêm 22/10 (sáng 23/10 giờ Hà Nội).