Sáng ngày 7/1, nhóm phụ trách bán hàng của Facebook bỗng bận rộn. Họ phải làm việc với tần suất cao hơn bình thường để gửi các ghi chú quan trọng nhất cho khách hàng.
Trước đó không lâu, CEO Facebook, Mark Zuckerberg, đã làm điều chưa có tiền lệ: khóa tài khoản Facebook của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến hết nhiệm kỳ của ông. Động thái này là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất mà bất kỳ công ty công nghệ nào dám làm với Trump. Phản ứng từ phía Trump hoàn toàn khó xác định và có thể cũng tiềm ẩn nhiều điều đáng sợ.
Theo thông báo gửi tới các đối tác, nhân viên Facebook trấn an, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không cần quá lo lắng trước các vấn đề đang diễn ra. Thông báo giải thích vì sao Facebook lại quyết định cấm tài khoản của Trump.
Không giống các quyết định lớn trước đây, Facebook đã không gửi bản thông báo cho đơn vị quảng cáo và đại lý. Theo các nguồn tin, họ dường như không có thời gian để làm điều này.
Quyết định "cấm cửa" Trump được Mark Zuckerberg đưa ra sau chưa đầy 24 tiếng kể từ thời điểm đám đông ủng hộ Trump xông vào Điện Capitol, hôm 6/1. Theo một số chuyên gia, sau nhiều năm vật lộn đối phó với các nội dung tranh cãi của Trump trên nền tảng, động thái của Facebook được đưa ra nhanh chóng và dứt khoát một cách ngạc nhiên.
Hành động của Facebook diễn ra khi các "ông lớn" công nghệ Mỹ đồng loạt quyết định "hất" Trump khỏi nền tảng của mình, từ Twitter, Google đến Amazon. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã dùng các mạng xã hội, nhất là Twitter, đưa ra thông điệp hay phát ngôn về chính trị. Cùng với Trump, những tổ chức, cá nhân cực hữu khác cũng bị xóa trên các nền tảng này.
Hành động mà các công ty Internet Mỹ đang thực hiện sau khi Điện Capitol bị bao vây sẽ được đưa ra nghiên cứu và phân tích trong nhiều năm tới. Nhưng hiện tại, việc này tạo nên cuộc tranh luận về việc quyền lực quá lớn của các nền tảng truyền thông xã hội cũng như vai trò của chúng trong chính trị.
Business Insider đã phỏng vấn nhân viên của các mạng xã hội, CEO và những người am hiểu lĩnh vực công nghệ, đồng thời phân tích các báo cáo truyền thông và các hoạt động trên mạng xã hội. Trang này nhận xét rằng nước Mỹ với "một tuần điên cuồng" đã thay đổi công nghệ mãi mãi.
"Tôi ác cảm với việc mạng xã hội loại bất kỳ người dùng nào khỏi nền tảng của mình", một nhân viên Twitter nhận xét.
"Thật tồi tệ", một nhân viên Facebook thẳng thừng nhận xét. "Chúng ta đang trong vùng lãnh thổ chưa được khám phá".
Bầu không khí ngột ngạt tại văn phòng Facebook lên đỉnh điểm vào ngày 6/1, khi người biểu tình cố xông vào Điện Capitol khiến 5 người chết. Trên trang nội bộ, nhiều nhân viên kêu gọi lãnh đạo Facebook phải mạnh tay hơn trong việc hạn chế các nội dung mà Trump đăng tải. "Ngăn ông ta đi. Tôi cảm thấy xấu hổ và đau lòng khi công ty kéo dài hành động điên rồ của ông ấy", một nhân viên viết trên Workplace.
Những tổ chức khác cũng tìm cách liên hệ với Facebook để ngăn các nội dung mà Trump đăng tải. "Chúng tôi đã liên lạc với Sheryl Sandberg tuần trước", Jim Steyer, người sáng lập kiêm CEO Common Sense Media, cho biết. "Đã đến lúc lãnh đạo Facebook cần ngăn Trump phát đi những lời lẽ cực đoan".
Tình hình trên Twitter cũng tương tự.
"Hôm nay, các bạn đã khiến người dân Mỹ thất vọng", ca sĩ Selena Gomez viết trên Twitter, đồng thời gắn thẻ Facebook, Twitter, Google, YouTube và các CEO của nền tảng này. "Tôi hy vọng các bạn sẽ sửa sai".
Trước phản ứng mạnh mẽ của người dùng, các mạng xã hội bắt đầu hành động. Ngày 6/1, khi Trump đăng video kêu gọi những người tham gia bạo loạn về nhà, nhưng lại ca ngợi họ là những người đặc biệt, Twitter và Facebook đã lập tức gỡ video. Hai nền tảng cũng lần lượt cấm Trump đăng nội dung trong lần lượt là 12 tiếng và 24 tiếng, trước khi quyết định cấm ông với thời gian lâu hơn. Snapchat sau đó cũng cấm tài khoản của Trump vô thời hạn.
Khi quyết định chặn tài khoản Trump, CEO Twitter, Jack Dorsey, đang nghỉ ở một khu du lịch thuộc Pháp. Theo NYTimes, ông đã thảo luận với luật sư kiêm lãnh đạo chính sách của Twitter, Vijaya Gadde qua điện thoại.
"Tôi không ăn mừng hay cảm thấy tự hào về việc chúng tôi phải cấm tài khoản @realDonaldTrump trên Twitter", Dorsey tweet vài ngày sau đó. "Chúng tôi đưa ra quyết định dựa trên thông tin chúng tôi có và dựa trên những đe dọa an toàn trên Twitter và ngoài đời".
Cổ phiếu Twitter giảm 12% sau thông tin này. Động thái của mạng xã hội này khiến những người ủng hộ Trump phẫn nộ. Nhiều nhà phê bình cho rằng Twitter đã "đi quá giới hạn cho phép" khi cấm tài khoản Tổng thống Mỹ vĩnh viễn.
Roger McNamee, cố vấn của Facebook, cho rằng những lo ngại về trách nhiệm pháp lý là nguyên nhân khiến nhiều công ty công nghệ hành động nhanh chóng. "Họ nhận ra nguy cơ pháp lý của họ đang tăng lên chứ không giảm. Đây không phải là kết quả của sự ý thức về nghĩa vụ công dân, mà là nguy cơ pháp lý thực sự hiện hữu", McNamee nhận xét.
Sau Facebook, Twitter, các nền tảng khác, gồm Reddit, YouTube, Telegram, cũng làm tương tự. Đặc biệt, Parler - ứng dụng với tôn chỉ: "Tự do ngôn luận, không thiên kiến, hướng tới bảo vệ quyền người dùng" - bỗng dưng trở thành nơi được phe bảo thủ và cực đoan ưa chuộng. Tuy nhiên, các nội dung cực đoan khiến ứng dụng này lọt vào tầm ngắm của Google, Apple và Amazon. Theo thống kê của Fox News, Parler trở thành ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên App Store ngày 9/1 trước khi bị xóa. Trên Google Play Store cũng vậy.
Cho đến trước ngày 12/1, TikTok và YouTube là hai nền tảng công nghệ lớn duy nhất còn bỏ ngỏ lệnh cấm đối với Trump. Với YouTube, mạng video này chỉ hạn chế nội dung chứ không cấm hoàn toàn tài khoản. Nhóm chính sách của YouTube khi đó cho rằng Trump ít có khả năng sử dụng YouTube như Twitter hay Facebook, vì vậy họ đã chọn giữ cho tài khoản hoạt động.
Nhưng nhóm này đã nhầm. Ngay trong ngày 12/1, Trump đã tải video lên YouTube. YouTube nhanh chóng xác định nội dung vi phạm chính sách "kích động bạo lực". Video bị xóa và kênh của Trump bị tạm ngưng trong ít nhất một tuần. YouTube cũng thực hiện chặn bình luận vô thời hạn đối với tất cả video của Trump.
Sau YouTube, các nền tảng khác như Airbnb hay Salesforce cũng đưa lệnh cấm sử dụng dịch vụ với những người tham gia bạo loạn Điện Capitol. Theo các nhà quan sát, việc này đã trở thành một cuộc thanh trừng toàn diện của ngành công nghệ Mỹ với nội dung cực đoan.
"Tôi không cho rằng các công ty có sự phối hợp, dù mọi hành động diễn ra cùng lúc", Dorsey viết trên Twitter. "Nhiều khả năng các công ty chỉ tự đưa ra kết luận hoặc bị tác động bởi dư luận".
Bảo Lâm (theo Business Insider)