Nghệ sĩ Giang Châu vừa qua đời sau thời gian điều trị chứng thoái hóa não, hưởng thọ 67 tuổi. 50 năm trong nghề, ông ghi dấu với hàng chục vai diễn qua lối vọng cổ hài độc đáo cùng kiểu ca dài hơi, được xếp vào dạng "thế hệ vàng" của cải lương, một thời ngang hàng Minh Vương, Thanh Tuấn...
Giang Châu sinh năm 1952 tại Bến Tre, tên thật là Trần Ngọc Châu. Từ năm 1968, ông đã nổi lên như một kép trẻ tiềm năng khi được đoàn cải lương Hương Mùa Thu giao nhiều vai quan trọng. Tuy nhiên, sau năm 1975 mới là thời kỳ tỏa sáng của Giang Châu. Lúc này, cải lương miền Nam trỗi dậy với nhiều đoàn quốc doanh sau vài năm trầm lắng. Giang Châu về cộng tác cho đoàn cải lương Sài Gòn 1. Tại đây, ông có cơ hội phát triển toàn diện khiếu ca - diễn qua Sò - vai lão nhà giàu tham lam, hà tiện trong vở Ngao Sò Ốc Hến, dựa trên tuồng tích dân gian cùng tên (tác giả: nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu, đạo diễn: nghệ sĩ Ba Vân).
Từ bỏ sở trường đóng kép chánh, Giang Châu vẫn tạo nên hiện tượng. Ông tự trao đổi với đạo diễn để sáng tạo, thêm thắt các tình tiết. Chẳng hạn, ở đoạn cuối, khi Trùm Sò bị quan xử thua, Giang Châu đề nghị được ca vọng cổ theo làn hơi như thổi kèn lá đám ma. Tiếng hát của nhân vật là lời than vãn của một gã hà tiện, bủn xỉn khi bị mất tiền, khiến khán giả bật cười hả hê. Sau này, Giang Châu cho biết diễm phúc lớn nhất của ông là được đóng vai Trùm Sò. Khán giả trong, ngoài nước hễ gặp ông đều gọi bằng tên nhân vật này, như một sự công nhận về tài năng.
Nổi tiếng với các video tấu hài vọng cổ, khả năng diễn bi của Giang Châu cũng chinh phục người xem. Trong đó, Tìm lại cuộc đời (tác giả Hoàng Khâm - Điêu Huyền) - vở cải lương xã hội của đoàn Sài Gòn 1, ra mắt năm 1981 - là một điểm sáng. Vở kể về xung đột kịch tính giữa những người cùng quê hương nhưng đối đầu nhau từ chiến tuyến đến quan điểm tình yêu, hôn nhân, gia đình. Vai Trần Hùng - chàng trai bị bắt đi lính, chịu thương tích, bị bỏ rơi giữa trận chiến - được Giang Châu khắc họa đến tận cùng qua giọng cười bi phẫn, tiếng chửi gằn, lời than khóc với câu thoại: "Ai, ai đã giết tôi, ai đã làm tan nát cả gia đình tôi". Đến nay, chàng thương binh Trần Hùng vẫn là một trong những vai kinh điển của thể loại tuồng xã hội.
Một thời tuổi trẻ oanh liệt với những vai diễn, về già, Giang Châu gánh nhiều nỗi niềm. Năm 2013, con trai ông - nghệ sĩ Thế Sơn - qua đời ở tuổi 29 sau 10 ngày điều trị lao phổi. Sinh thời, anh là hậu duệ duy nhất nối nghiệp cha khi công tác ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Sự ra đi bất ngờ của con trai là cú sốc lớn với vợ chồng ông. Sau khi con qua đời, vợ Giang Châu - nghệ sĩ Ngọc Hiền (tên thật là Đỗ Thị Kim Tuyến - xuống tóc, lên chùa quy y để cầu nguyện điều lành cho gia đình.
Một thời gian dài, Giang Châu nuốt nỗi đau vào trong, chấp nhận mất mát và nhớ về con với niềm tự hào. Rời xa sàn diễn, ông tìm tới niềm vui bằng thể thao, chia sẻ tâm tư tuổi xế chiều với các bạn hữu.
Thế nhưng, năm 2017, chứng đột quỵ khiến ông từ một người hoạt bát, nhanh nhẹn phải vĩnh viễn ngồi xe lăn. Lần đó, khi chạy xe ngoài đường, ông bị tai biến, té ngã, người quen phát hiện đưa đi cấp cứu. Ông qua khỏi, song để lại di chứng thoái hóa não. Vì thương chồng bệnh tật, vợ nghệ sĩ xin sư thầy về nhà để túc trực chăm sóc ông. Người vợ từng kể trên giường bệnh, lúc tỉnh lúc mê, nhưng nghe tuồng cải lương xưa nào, Giang Châu đều gọi đúng tên nghệ sĩ đang hát.
Năm 2018, cái tên Giang Châu được nhắc đến nhiều trở lại, khi ông cùng nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn được đề cử danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân song trượt danh sách xét duyệt ở cấp Bộ. Con gái Giang Châu tâm sự từ lâu, cha chị đã không màng đến danh hiệu. Sinh thời, Giang Châu quan niệm danh hiệu không phải là thứ để đi xin. Trong lần được trao Nghệ sĩ Ưu tú, ông không định làm đơn. Ông cho rằng sự cống hiến của các tên tuổi gạo cội không nên tính bằng số lần tham gia liên hoan, số huy chương đạt được... Sợ thiệt thòi cho ông, gia đình tìm hiểu cách làm hồ sơ rồi giúp ông ghi chép, ông chỉ cần ký tên. Lần gần nhất xét Nghệ sĩ Nhân dân, ông cũng được Hội sân khấu TP HCM hỗ trợ đăng ký thay chứ không chủ động.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết kể bà quý nhất ở Giang Châu sự nghiên cứu tìm tòi, đổi mới trong từng lối ca - diễn và tính hiền lành, không muốn làm phật lòng ai. Bạch Tuyết và Giang Châu từng hợp tác khi bà dàn dựng vở Đoạn tuyệt, trong đó ông diễn vai cậu ấm Thân. "Sự yêu nghề, hết lòng vì sân khấu, tính tình chân chất đã giúp Giang Châu chiếm trọn tình thương của công chúng", bà tâm sự.
Nghệ sĩ Giang Châu, tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952. Năm 1968, ông theo gánh hát cải lương Hương Mùa Thu và được giao những vai quan trọng. Sau năm 1975, đoàn hát giải thể, Giang Châu gia nhập đoàn cải lương Sài Gòn 2. Nhờ có lối ca vọng cổ dài hơi và lối diễn xuất sống động, ông nổi tiếng qua vai Trần Hùng trong tuồng Tìm lại cuộc đời. Ông còn được biết đến nhiều với vai diễn Trùm Sò trong Ngao Sò Ốc Hến và vai Thừa trong Tiếng hò sông Hậu.
Tang lễ của NSƯT Giang Châu được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng từ 20h ngày 8/5. Lễ động quan lúc 6h ngày 11/5, sau đó linh cữu được an táng ở nghĩa trang Bình Dương.
Mai Nhật