Deal Street Asia đưa tin Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã mua lại chuỗi cà phê The Coffee House của Seedcom. Hiện tại, công ty mẹ Seedcom từ chối đưa ra tuyên bố chính thức về việc này. Trong khi đó, nguồn tin của VnExpress cho biết thương vụ đã diễn ra từ tháng 12 năm ngoái.
Cùng thời điểm kể trên, Golden Gate họp phiên bất thường và quyết định hủy bỏ kế hoạch chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 53% cho năm 2023. Quyết định này nhằm tập trung nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư và mở rộng quy mô lớn cả trong và ngoài nước cho giai đoạn 2024-2025. Ban lãnh đạo tin điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển đột phá của công ty.
Doanh nghiệp cũng đã đóng cửa nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả sau một năm kinh doanh chậm lại. Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 cho thấy, Golden Gate đạt doanh thu 6.288 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2022. Công ty lãi sau thuế 139 tỷ đồng, tương đương một phần năm con số cùng kỳ năm trước đó. Trừ giai đoạn dịch bệnh 2020-2021, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty kể từ lúc công bố thông tin vào năm 2017.
Trong khi đó, The Coffee House là chuỗi cà phê từng nổi đình đám một thời nhưng đến nay xuất hiện nhiều dấu hiệu ì ạch. Theo số liệu của Vietdata - nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô, doanh nghiệp và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực - cho thấy thị phần của The Coffee House năm 2023 giảm so với năm trước đó, về gần mức của năm 2021 là 2,02%. Kéo theo đó, doanh thu cũng giảm 11% về khoảng 700 tỷ đồng trong năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cũng liên tục âm trên trăm tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023.
Thời gian qua, chuỗi này đóng nhiều cửa hàng, đến nay chỉ ghi nhận 93 điểm bán, giảm hơn 50 quán so với cuối năm 2023, chủ yếu ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội và các tỉnh vùng ven. Năm trước, The Coffee House dừng hẳn việc kinh doanh tại Đà Nẵng và Cần Thơ. CEO Ngô Nguyên Kha xác nhận với VnExpress vào thời điểm đó rằng, The Coffee House đóng cửa các điểm bán theo định hướng kinh doanh. Ông giải thích trong bối cảnh hiện tại, tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên.
Trước đó, CEO The Coffee House từng nhìn nhận lý do họ đi chậm lại do khách hàng đã thay đổi. Vì thế, những gì chuỗi cà phê này từng làm và thành công có thể không phù hợp với khách hàng hiện tại. Ở giai đoạn đầu ra mắt thị trường, họ từng là một trong ít chuỗi cà phê đi đầu về việc tạo ra không gian quán đẹp, wifi mạnh, thức uống hợp khẩu vị người dùng, thường được xem là địa điểm làm việc và học tập ưa thích của những người làm việc tự do (freelancer) và học sinh, sinh viên.
Thay vì dồn nguồn lực cho cửa hàng vật lý, chuỗi này tập trung vào chiến lược phát triển ứng dụng đặt hàng riêng. Giai đoạn nửa cuối năm 2024, giao dịch qua ứng dụng của họ chiếm một nửa tổng giao dịch mỗi ngày của toàn hệ thống với 1,8 triệu lượt tải về.

Nhân viên The Coffee House đang giới thiệu món nước mới vào cuối năm 2024. Ảnh: The Coffee House
Báo cáo thị trường nửa đầu năm của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100.000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê - thống kê cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng ăn uống (F&B), giảm 3,9% so với cuối năm ngoái. Ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi số lượng mở mới hạn chế.
Tổng giám đốc iPOS Vũ Thanh Hùng cho rằng con số trên chứng minh mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Sự tăng trưởng chi tiêu của thực khách không đuổi kịp được tăng trưởng nóng cửa hàng F&B từ sau đại dịch. Thêm nữa, số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (dưới 3 tháng hoạt động) đang xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố lớn. Đồng thời, các thương hiệu có tính bền vững cũng không thoát khỏi sự tác động sâu của kinh tế dù có lượng khách hàng trung thành lớn và có thu nhập ổn định.
Tất Đạt