Năm 2011, FBI ghi nhận một trang web chợ đen trực tuyến, mang tên Silk Road - Con đường tơ lụa, nơi người dùng truy cập ẩn danh để mua bán hàng hóa, ma túy, vũ khí, chất độc và các dịch vụ bất hợp pháp như hack máy tính, thậm chí giết người thuê.
"Con đường tơ lụa là Amazon của các địa điểm ma túy", FBI đánh giá và nhận định đến thời điểm phát giác trang web đã mang lại doanh thu hàng tỷ USD, và riêng 200 triệu USD hoa hồng đã chảy vào túi người sáng lập và điều hành.
Việc lần ra ông trùm bí ẩn của Silk Road sử dụng biệt danh theo tên nhân vật Dread Pirate Roberts trong bộ phim kinh điển Cô dâu công chúa là thách thức với lực lượng đặc nhiệm mạng ưu tú của FBI cùng các lực lượng tinh nhuệ nhất của các cơ quan thực thi pháp luật.
Họ phải mất hơn 2 năm, điều tra từ Iceland đến New York đến San Francisco, lần theo nhiều manh mối và nhận ra bất ngờ lớn: Ông trùm giấu mặt lại là một thạc sĩ vật lý mới 27 tuổi.
Ross Ulbricht, sinh năm 1984 tại Texas, được học bổng toàn phần trường Đại học Texas, ngành vật lý, sau đó học tiếp thạc sĩ khoa học và kỹ thuật vật liệu tại Đại học bang Pennsylvania.
Là lập trình viên máy tính có năng khiếu và cực kỳ sáng tạo, Ulbricht có ý tưởng về một trang thương mại điện tử hoạt động trên dark web, nằm ngoài sự giám sát của chính phủ. Công ty khởi nghiệp của Ulbricht lập năm 2011 được đặt tên Con đường tơ lụa để tỏ lòng tôn kính với tuyến đường thương mại cổ xưa của triều đại nhà Hán. Trang thương mại này sẽ kết nối người mua và người bán, đổi lại, Ulbricht sẽ được trả một khoản hoa hồng.
Kế hoạch ban đầu của Ulbricht có vẻ "ngây thơ", nhưng dần dần Con đường tơ lụa trở thành trung tâm trao đổi mọi thứ, từ công cụ hack và thiết bị thí nghiệm ma túy đến cocaine và xyanua đến súng trường tấn công Berettas và AK-47, thậm chí có những cuộc thảo luận về việc bán các bộ phận cơ thể. Kinh doanh bùng nổ. Trong vòng 18 tháng kể từ khi hoạt động, Con đường tơ lụa đạt doanh thu 500.000 USD mỗi tuần và Ulbricht đang có hàng triệu USD tiền mặt.
Mùa hè năm 2011, FBI bắt đầu để ý thấy những bất thường. Nhiều gói hàng giống hệt nhau gửi tới những địa chỉ khắp nước Mỹ, bên trong chứa lượng nhỏ ma túy, đang kẹt ở sân bay O'Hare của Chicago.
Gót hàng được ngụy trang khá độc đáo. Bề ngoài vẫn chỉ là những đĩa CD, gói đồ ăn vặt, áo quần nhưng sẽ có vài tép ma túy dán vào thành bên trong hộp. Ban đầu cảnh sát chỉ thu được 3-5 gói hàng chứa ma túy mỗi ngày, rồi tăng lên 50 gói.
Các nhà điều tra đặt câu hỏi, tại sao đột nhiên, mọi người bắt đầu gửi ma túy qua đường bưu điện?
Quyết tâm tìm ra nguồn gốc của số ma túy, đặc vụ FBI Jared Der-Yeghiayan tới địa chỉ người nhận của một bưu kiện. Người này không có nhà nhưng bạn cùng phòng của anh ta sẵn sàng trả lời các câu hỏi, cho hay: "Bạn tôi chơi "đá", nó đặt trên Tor".
Bộ định tuyến Tor, còn được gọi là "củ hành", có nhiều lớp bảo mật, nhiều lớp máy tính phải đi qua để tiếp cận được nội dung mình muốn, cũng như phải bóc nhiều lớp vỏ, mới thấy được lõi của "củ hành".
Mạng Tor được tạo ra với mục đích cho phép mọi người giao tiếp trên Internet mà không ai có khả năng biết họ là ai và ở đâu. Đặc vụ Jared chất vấn tiếp: "Thế họ thanh toán hàng theo kiểu gì?". Cậu sinh viên nhún vai: Bitcoin - tiền điện tử.
FBI dễ hiểu lý do trang web này không chấp nhận PayPal, Visa, MasterCard hoặc bất kỳ loại thẻ tín dụng nào khác, bởi vì những thứ đó đều có thể truy nguyên.
Nhà chức trách, đến khi này, vẫn không biết đang phải đối mặt với điều gì. Họ vẫn chưa biết ai đứng sau trang web này, không biết trang web đó ở đâu, và những ai đang truy cập.
FBI vào cuộc
Đến cuối năm 2011, Con đường tơ lụa đã xử lý các đơn hàng trị giá nửa triệu USD mỗi tháng bán ma túy cũng như các hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp khác.
Đặc vụ FBI Vincent D'Agostino thừa nhận những kỹ thuật truyền thống mà điều tra viên sử dụng đều vô dụng trong thị trường ma túy trực tuyến. Các công tố viên đã yêu cầu chi nhánh mạng của FBI ở New York tham gia cuộc truy lùng. Đây là một đội ưu tú có kinh nghiệm làm việc bên trong web đen và bộ định tuyến củ hành Tor, nơi Con đường tơ lụa ẩn náu.
Nhóm FBI cần chứng minh cho cấp trên của họ thấy rằng vụ án này không chỉ liên quan ma túy. Tháng 9/2012, chi nhánh mạng ở New York mở một vụ án mang tên "Chiến dịch bóc hành tây" với nhiệm vụ phải tìm ra máy chủ của Con đường tơ lụa.
FBI nhận định những gì Tor làm là bảo vệ địa chỉ IP và liên tục thay đổi thông tin đó, khiến nó không thể tìm ra được. "Mỗi khi chúng tôi nhận được yêu cầu từ nhà cung cấp dịch vụ internet, đường dẫn đến nội dung đó đã thay đổi. Chúng tôi luôn đến quá muộn, luôn đi sau một bước, đôi khi chỉ nửa phút", đặc vụ Vincent D'Agostino kể lại. Mặt khác, họ cũng bắt đầu suy đoán kẻ đứng sau mạng lưới khủng khiếp này là ai.
Họ có vẻ đã đúng hướng, khi nhận định, hắn là một cậu trai bình thường, khao khát làm điều gì đó thú vị nhưng sau đó nó trở nên lớn và nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng của chính hắn.
"Trước đây, chúng tôi đã bắt những tội phạm toàn cầu trên internet. Họ đều là những người rất trầm lặng, bình thường, có vợ con, công việc, tính cách ngoại hình không mấy nổi bật", đặc vụ FBI nói.
Ulbricht vận hành Con đường tơ lụa một cách ẩn danh từ các quán cà phê và thư viện trên khắp San Francisco. Ulbricht sống khiêm tốn trong một căn hộ đi thuê, trả bằng tiền mặt và nói với bạn cùng phòng rằng tên là "Josh,". Khi gia đình và bạn bè thắc mắc vì sao làm gì trên máy tính cả ngày, anh ra nói đang giao dịch tiền tệ hoặc thực hiện dự án bí mật
Trước năm 2011, Ulbricht kiếm được 300 USD/tuần với tư cách là nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Anh ta đang ngủ dưới tầng hầm, đồ đạc duy nhất là hai túi rác màu đen ở cuối giường, một túi đầy quần áo sạch, một túi bẩn.
Nhưng khi Con đường Tơ lụa phát triển thành một doanh nghiệp tỷ đô, đạt được quy mô mà các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon mơ ước, Ulbricht bắt đầu trở nên hoang tưởng hơn. Anh ta tạo danh tính giả và thực hiện kế hoạch trốn thoát đến Dominica, giữ phần lớn tài sản của mình bằng Bitcoin, và một số tiền mặt được giấu trong tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Cho đến khi này, ngoài bạn gái vừa chia tay, không ai biết chân tướng của Ross Ulbricht. Cô gái sớm nhận ra mối đe dọa từ chợ online phi pháp này, nhưng tham vọng của bạn trai đã không để nó dừng lại. Con đường tơ lụa vẫn đang xử lý các giao dịch trị giá hàng triệu USD mỗi tháng và Ulbricht thành triệu phú.
Anh ta tự hào về những gì đã tạo ra và thậm chí còn thực hiện một cuộc phỏng vấn ẩn danh với Forbes, tự tin đến mức tuyên bố sẽ chẳng ai phát hiện ra mình là ai. Trong khi Ulbricht tin rằng danh tính đã được bảo vệ, Con đường tơ lụa bắt đầu bộc lộ những lỗ hổng.
Trang web bắt đầu bị tấn công, rất nhiều vụ tống tiền bắt đầu xảy ra. Mùa xuân năm 2013, một nhà cung cấp đã nhắn tin cho "Dread Pirate Roberts" đe dọa tiết lộ thông tin cá nhân của hàng nghìn người dùng.
Đây là một vấn đề lớn vì toàn bộ nền tảng của trang web là tính ẩn danh. Nếu trang web bị tấn công và bị công khai thì đây là dấu chấm hết. Tên và địa chỉ của những người mua và bán ma túy, vũ khí, thuê sát thủ và mua bán trái phép nội tạng từ trang web đó coi như xong đời.
Ulbricht quyết định thuê xã hội đen để tìm và tiêu diệt kẻ tống tiền. Anh ta đã trả 650.000 USD từ tài khoản bitcoin của mình cho vụ thanh trừng.
FBI nhận định những kẻ tống tiền thực ra chỉ đang lừa đảo để moi tiền chủ nhân Con đường tơ lụa, nhưng Ulbricht đã thực sự trả tiền cho những vụ ám sát này. "Anh ta trở nên nguy hiểm đến mức sẽ bảo vệ nó bằng mọi giá nhưng chúng tôi biết rằng, ngay cả những tên tội phạm tự tin sành sỏi nhất, cũng sẽ mắc lỗi", các đặc vụ sau này đánh giá.
Lộ mặt
Đầu mùa hè năm 2013, sau gần một năm cố gắng bẻ khóa hoạt động bên trong của trang web đen này, các đặc vụ tại Chi nhánh Mạng New York của FBI cuối cùng cũng được nghỉ ngơi. Họ nhận thấy một lỗi mã hóa trên trang web, nơi làm rò rỉ địa chỉ IP.
Nó sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi - các nhà điều tra đã phát hiện ra vị trí của máy chủ lưu trữ trang web cách đó 2.700 dặm ở Iceland.
Các đặc vụ đã bay tới Iceland nhưng không lấy máy chủ thực sự vì không muốn làm dấy lên sự nghi ngờ về "Dread Pirate Roberts". Thay vào đó, họ tạo một bản sao hình ảnh phản chiếu mà họ có thể sử dụng để làm việc.
FBI bắt đầu đào sâu và nắm được khối lượng giao dịch đang diễn ra trên Con đường tơ lụa. "Nó lớn kinh khủng", đặc vụ Vincent D'Agostino nói.
FBI được biết rằng chỉ trong hai năm rưỡi, khoảng 1,2 triệu giao dịch đã được xử lý trên trang web bằng bitcoin, tạo ra doanh thu tương đương khoảng một tỷ USD. Các đặc vụ cũng tìm thấy thông tin và liên lạc mà Ulbricht tin rằng sẽ không bao giờ bị phát hiện.
Các đặc vụ thậm chí có thể xem hồ sơ về một số hoạt động của "Dread Pirate Roberts". Ai đang đăng nhập và ai đang đăng xuất, ai đang sử dụng bảng điều khiển quản trị, nghĩa là ai thực sự đang điều hành trang web. Cùng tham gia chiến dịch, còn có Cục Quản lý Thực thi Ma túy (DEA) thuộc Bộ Tư pháp và Sở Thuế Vụ (IRS).
Trong khi FBI và DEA điều tra tham nhũng công và buôn bán ma túy, tại IRS, đặc vụ Gary Alford đang theo dõi số tiền tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp này, và danh tính ông trùm. Họ bắt đầu bằng việc sử dụng tùy chọn tìm kiếm nâng cao của Google để tìm những đề cập sớm nhất về Con đường tơ lụa.
Cuối cùng, trên một diễn đàn trò chuyện về bitcoin, rà soát hàng trăm, nghìn bài đăng từ 2011, Gary Alford tìm thấy nhiều tài khoản cùng tích cực phản hồi từ một tài khoản email mang tên Ross Ulbricht. Đây là lần đầu tiên tên của Ross Ulbricht xuất hiện trong vụ án.
Cấp trên của Gary Alford nghĩ rằng khá thú vị nhưng chưa đủ thuyết phục. Vài ngày sau, Gary Alford tiếp tục bắt gặp cái tên này trong một diễn đàn về viết việc viết mã cho web đen. Đặc vụ IRS bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu về cái tên Ross Ulbricht.