Ngày 9/8, bà Hạnh, 54 tuổi, cùng Mai Thị Ngọc Phấn, Phạm Tấn Lộc và 21 đồng phạm bị TAND tỉnh An Giang xét xử về tội Buôn lậu. Bốn người trong đó còn bị truy tố thêm tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử, dự kiến kéo dài đến 13/8.
Theo cáo trạng, từ năm 2019, Hạnh thỏa thuận với một số tiệm vàng cùng vợ chồng Trịnh Kim Ba và Dương Công Cường (ngụ TP Châu Đốc) chuyển USD từ Việt Nam sang Campuchia và mua vàng của Tuốt, Hía, Pha Na (sống tại Campuchia) về Việt Nam. Tiền công vận chuyển 100.000 USD là 70 USD, mỗi kg vàng là 15 USD. Hạnh phân công các đàn em đưa USD sang Campuchia và nhận vàng mang về nhà mình, sau đó giao lại cho nhiều tiệm vàng.
Trưa 30/10/2020, Công an tỉnh An Giang tuần tra tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia (thuộc khu vực phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc) phát hiện Nguyễn Hoàng Út chạy vỏ lãi từ hướng Campuchia cặp vào bờ đường Tuy Biên. Lúc này, bốn người đi bộ đến lấy 3 bọc nylon có hơn 50,9 kg vàng nguyên liệu 99,99% (gần 72 tỷ đồng) mang đến hai xe máy định chở đi thì bị bắt giữ.
Khám xét 16 điểm liên quan đường dây này, cảnh sát thu giữ 36 kg vàng; 1,27 triệu USD... Sau đó, 3 người ra đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bà Mười Tường cùng 7 đàn em khác đã bỏ trốn. 8 tháng sau, bà trùm bị bắt, các đàn em lần lượt ra đầu thú.
Trong phiên tòa hồi cuối tháng 2, Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (tiệm vàng Kim Ngọc Mai) và nhóm bị cáo là chủ các tiệm vàng không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng không liên quan đường dây của Hạnh. Còn bà Hạnh khẳng định chỉ giúp sức chứ không tham gia trực tiếp hay cầm đầu đường dây. HĐXX đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tại cáo trạng lần này, VKS xác định có căn cứ chứng minh hành vi buôn lậu của Nghĩa. Cụ thể, sáng 30/10/2020, Nghĩa điện thoại kêu người đến nhà là biệt thự màu trắng ở phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, nhận túi nylon ký hiệu "N-2" bên trong có hơn 400.000 USD để mang sang Campuchia giao cho bà Phana và nhận vàng nhập lậu mang về.
Nghĩa bị xác định vai trò chủ hàng, trực tiếp đặt mua vàng nhập lậu từ Campuchia, thông qua đường dây vận chuyển trái phép do Hạnh cầm đầu để mang về Việt Nam tiêu thụ. Vì thế, cơ quan điều tra thay đổi tội danh với Nghĩa từ Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (Điều 189 Bộ luật Hình sự) sang tội Buôn lậu (Điều 188 Bộ luật Hình sự).
Đối với bà Hạnh, VKS giữ nguyên quan điểm cáo buộc vai trò điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển USD sang Campuchia và nhận gần 51 kg vàng...
Ngoài vụ án này, tháng 11/2022, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Hạnh 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (470.000 USD). Tiếp đó, hồi tháng 1, bà trùm bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 14 năm tù về tội Buôn lậu hơn 200.000 tấn đường...
An Bình