Ngày đầu Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 6h, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức treo cờ rủ. Lá Quốc kỳ gắn dải băng tang được kéo lên, treo trong hai ngày 25-26/7.
Sau hai ngày chịu ảnh hưởng của bão Prapiroon, Hà Nội đã dứt mưa từ rạng sáng nay, nhiệt độ ngoài trời khoảng 25 độ C.
Tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, từ 6h - thời điểm bắt đầu cấm đường, nhiều người cao tuổi đứng đợi phía ngoài barie hỏi lực lượng chức năng về thông tin lễ viếng. Khi biết cuối giờ chiều mới được vào, người dân vẫn đợi.
Bà Đinh Thị Huệ từ xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín dậy lúc 4h30, bắt hai chuyến xe buýt và một chặng xe ôm để tới Nhà tang lễ quốc gia, cách nhà hơn 30 km để viếng Tổng Bí thư. Người phụ nữ 66 tuổi làm nông, chưa từng gặp gỡ người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ biết tin ông từ trần qua tivi.
"Tôi kính trọng và yêu mến ông nên tới đưa tiễn đoạn đường cuối. Nghĩa tử là nghĩa tận", bà nói, thêm rằng sẽ loanh quanh phố phường đợi đến cuối buổi chiều vào viếng, rồi trở về nhà và sáng mai sẽ quay trở lại để đưa tiễn ông.
7h, lễ viếng bắt đầu tại Nhà tang lễ quốc gia, do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường điều hành. Trong trang phục vest đen, tay đeo băng tang, ông Lương Cường bước lên bục điểm lại tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí có nhiều công lao, cống hiến to lớn đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta", ông Cường nói và nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi "là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp được với Đảng, nhà nước, nhân dân và gia quyến đồng chí".
Đoàn gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Ngô Thị Mận, phu nhân ông dẫn đầu, vào viếng. Vòng hoa mang dòng chữ "Vợ cùng các con cháu vô cùng thương tiếc".
Sau đoàn gia quyến, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào viếng. Tham gia đoàn có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Vương Đình Huệ.
Sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm thắp hương, đoàn cùng đứng nghiêm, cúi đầu tưởng nhớ, sau đó đi vòng quanh linh cữu Tổng Bí thư.
Dẫn đầu đoàn Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương, đi vòng quanh linh cữu, nắm tay chia sẻ với bà Ngô Thị Mận cùng gia quyến Tổng Bí thư.
"Trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới", Thủ tướng ghi sổ tang.
Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu. Tham gia đoàn có các nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, cùng cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước.
Ghi sổ tang, ông Tô Lâm bày tỏ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới; người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân".
"Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng", Chủ tịch nước Tô Lâm ghi trong sổ tang.
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu. Đi cùng đoàn có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ. Trong sổ tang, ông Mẫn viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân".
Sau khi dẫn đầu đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban viết sổ tang, đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người lãnh đạo tài năng, kiệt xuất, nhà lý luận sắc bén, nhà văn hóa lớn".
Theo ông Chiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi "nhưng tên tuổi, sự nghiệp, tấm lòng nhân ái, trọng dân, thương dân, gắn bó máu thịt với nhân dân còn mãi".
Dẫn đầu đoàn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào viếng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là "nhà lãnh đạo có uy tín, đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, trọn đời vì nước, vì dân".
Theo ông Cường, với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực "đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng, nhiều đoàn ngoại giao, đoàn quốc tế đến nhà tang lễ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phái đoàn Cuba do Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernandez dẫn đầu sang Việt Nam chia buồn và dự Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba kính viếng".
Trước đó, đại tướng Raul Castro Ruz và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz Canel-Bermudez gửi thư, bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam.
"Sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là mất mát không thể bù đắp đối với Cuba. Cuba sẽ luôn tưởng nhớ tới đồng chí Nguyễn Phú Trọng như người anh em vĩ đại, người thúc đẩy không biết mệt mỏi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Quốc hội, hai chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta", thư có đoạn.
Đoàn Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, ông Hun Sen gửi thư bày tỏ "vô cùng đau buồn".
"Đồng chí Tổng Bí thư đã củng cố tình hữu nghị anh em bền chặt với Campuchia, kiên trì nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm nâng cao sự hợp tác chặt chẽ không chỉ giữa Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn giữa hai chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta", ông cho hay.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary cũng gửi thư chia buồn.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, Đại diện cấp cao, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cùng nhiều đoàn ngoại giao nước ngoài đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại hội trường Thống Nhất TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTQ Việt Nam TP HCM vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ghi sổ tang, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ: "Chúng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh một con người vô cùng giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường; một nhân cách lớn; một cán bộ Đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất; một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ kính yêu".
Ông Nên bày tỏ sẽ "nguyện học tập, noi gương đồng chí và các bậc tiền nhân, thề tiếp nối truyền thống một cách xứng đáng, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đấu xây dựng TP HCM rực rỡ tên vàng như đồng chí hằng mong ước, chỉ dạy, góp phần cùng cả nước, vì cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, hạnh phúc, cường thịnh".
Nhiều người dân, bạn học cũng đến Nhà tang lễ quốc gia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), cùng các cựu sinh viên lớp Văn khóa 8, đến đưa tiễn học trò, bạn học Nguyễn Phú Trọng.
Ngày nhận hung tin, thầy giáo gọi điện cho các cựu học sinh lớp Văn chia sẻ "Thế là chúng ta vĩnh biệt người bạn thân yêu nhất của cả thầy và trò". Những ngày Tổng Bí thư nằm viện, thầy giáo cập nhật tin tức qua các học trò cũ. Đêm qua thầy ngủ không yên giấc vì thương tiếc cậu học trò hiền lành của khóa học 1963-1967.
Thầy Sơn nhớ những lần hội ngộ, lớp Văn chủ yếu hỏi thăm sức khỏe nhau, nói chuyện xoay quanh chữ "tình", là tình thầy trò, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình người. Trong một lần gặp mặt, thầy Sơn nói: "Anh Trọng ơi, hôm nay về họp lớp, anh nói chữ tình nặng lắm, thầy tặng anh đôi câu đối chữ Hán sưu tầm được Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình. Nghĩa là trên đời này mọi sự mọi việc cuối cùng rồi chỉ là bọt bèo, ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, cái còn lại chỉ là cái tình với nhau thôi, tình đời tình người".
Ông Huỳnh Duy Thương, 64 tuổi, từ Khánh Hòa bắt chuyến bay ra Hà Nội với mong muốn thắp nén nhang cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xuống sân bay 5h sáng nay, ông đến phố Lò Đúc, gần Nhà tang lễ quốc gia đợi chờ. "Từ lâu tôi đã dặn lòng mình khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất sẽ ra Hà Nội viếng linh cữu ông. Bây giờ, tôi chỉ mong được vào trong nhà tang lễ thắp nén nhang", ông nói.
Từ hơn 8h, bà Nguyễn Thị Lan, 74 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Thủy sản ở Hà Tĩnh, được người thân đẩy xe lăn đến chờ vào viếng Tổng Bí thư. Do các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quốc tế đang viếng nên bà Lan xếp hàng chờ. Cũng đoán trước phải đợi lâu, bà đã chuẩn bị sẵn cơm trưa, nước uống và "chờ bằng được vào thắp nén hương lần cuối tiễn Tổng Bí thư về với đất mẹ".
Chưa được tiếp xúc trực tiếp, nhưng với bà Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn mạnh mẽ về sự liêm khiết, giản dị, hết lòng xây dựng Đảng. Bà mong các thế hệ về sau sẽ tiếp nối truyền thống, trở thành những "người cộng sản kiên trung".
Các ngả phố Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ quanh nhà tang lễ ngày càng đông người dân chờ đợi vào viếng. Họ là cụ già hưu trí, sinh viên, lao động tự do, buôn bán, những người chưa từng gặp mặt Tổng Bí thư, chỉ thấy qua các phương tiện truyền thông, nhưng ấn tượng với cuộc đời bình dị của ông. Khi được hỏi, họ đều nhớ rõ các phát ngôn của ông như: "Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất", "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong phòng chống tham nhũng.
Quanh Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đều có các chốt cảnh sát kiểm soát người ra vào. Người dân đứng thành từng tốp để chờ được vào viếng. Tại mỗi cổng đều có máy quét để quét mã căn cước công dân hoặc QR trên ứng dụng VNeID.
Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã xếp hàng chờ vào hội trường viếng ông.
Theo Ban tổ chức, ngày 24/7 có 300 đoàn với khoảng 15.000 đăng ký viếng. Để tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức, Ban tổ chức cung cấp nước và bữa ăn miễn phí cho những người có nhu cầu. Ban tổ chức cũng bố trí xe điện đưa đón người dân từ trụ sở UBND xã Đông Hội đến điểm tổ chức tang lễ.
Vòng hoa đã được chuẩn bị để luân chuyển; các đoàn chủ động in băng đen gắn lên vòng hoa. Nguyện vọng của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xin được miễn tiền, hoa quả, lễ phúng viếng, chấp điếu của các tổ chức, cá nhân khi đến viếng.
Hòa cùng dòng người lặng lẽ vào viếng Tổng Bí thư, ông Phạm Quang Thành, 72 tuổi, trú xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết từng công tác ở Trung đoàn 269 Bộ tư lệnh Công binh. Tuổi cao và vừa trở về sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện, nhưng hay tin tang lễ của Tổng Bí thư được tổ chức tại quê nhà, ông Thành đã đi xe buýt đến thôn Lại Đà.
"Tôi toại nguyện khi được dâng nén hương đến Tổng Bí thư. Tôi thường xem các phát biểu của ông tại nhiều hội nghị. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự ra đi của ông để lại trong tôi niềm thương tiếc vô bờ", ông Thành chia sẻ.
Chị Phan Thị Hoa, 45 tuổi, trú đường Ngô Tất Tố, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh ra cầu Đông Trù từ khoảng 7h, mặc áo dài đỏ thêu sao vàng năm cánh, đội nón lá, cuốn dải băng tang đen và mang theo ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dòng chữ "Cả nước nhớ bác. Bác đi du lịch thôi mà". Chị mong muốn như là người chỉ đường để người phương xa biết đường "về nhà bác Trọng".
"Khi nghe tin bác mất, tôi rất ngỡ ngàng vì bác ra đi khi công cuộc phòng chống tham nhũng đang còn dang dở. Những ngày qua tôi dừng hết công việc, dừng buôn bán cửa hàng vải, ngày nào cũng ghé qua nhà bác ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội vì cảm thấy tiếc thương", chị Hoa nói.
Chị Hoa nhớ hình ảnh anh Trường, con Tổng Bí thư, mang nồi cơm điện bị hỏng ra tiệm gần nhà chị sửa. "Tôi không thể nghĩ con của Tổng Bí thư mà sống tiết kiệm như vậy. Nhưng từ đó tôi càng tin chiếc áo bác Trọng mặc mười mấy năm cũng là bình thường. Bác giản dị quá", chị nói.
Theo chị Hoa, bác Trọng luôn dạy cho con cháu phải sống đàng hoàng, tử tế. Ở gần nhà nên chị biết nhiều họ hàng, con cháu không nhờ bác xin việc mà chủ động xin việc làm, chứng minh năng lực của mình.