Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay hàng hoá được thả gồm nhu yếu phẩm, lương thực, một số thuốc men cho người dân. Số hàng hoá này tập kết tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế), được bộ đội bốc xếp lên trực thăng, sau đó vận chuyển đến các vùng bị cô lập trong nước lũ.
Việc tiếp tế phải thực hiện bằng trực thăng do đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào xã Hướng Việt đang bị sạt lở nặng với 42.500 m3 đất đá, 14 điểm tắc giao thông.
Cũng trong sáng 22/10, tổ công tác 17 người gồm y bác sĩ, cán bộ biên phòng và quân sự huyện Hướng Hoá băng đường rừng vào xã Hướng Việt, gùi theo thuốc và các vật tư thiết yếu để khám chữa bệnh cho người dân sau mưa lũ.
Dự kiến ngày 23/10, trực thăng của Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tế thêm một chuyến hàng cứu trợ và đưa 2 cán bộ bị thương nặng ra bên ngoài. Hai người này gồm một Đại úy biên phòng và Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị thương vào tối 17/10, khi băng rừng tìm kiếm một nhóm người dân đi làm rẫy mất liên lạc trong mưa lũ.
Ngoài việc sử dụng trực thăng, ngày 23/10, huyện Hướng Hoá sẽ điều 10 xe bán tải chở hàng hoá, nhu yếu phẩm ra tỉnh Quảng Bình, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tiếp cận ngược vào xã Hướng Việt. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này cũng có một điểm sạt lở lớn, đoàn lên kế hoạch đưa nhu yếu phẩm qua điểm sạt lở bằng gùi cõng.
Mưa lũ lớn từ ngày 6/10 đến nay khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nhiều điểm, cô lập xã Hướng Việt. Để tiếp cận xã Hướng Việt chỉ có một con đường độc đạo là Hồ Chí Minh nhánh Tây, nhưng 2 đầu đường vào xã này đều bị sạt lở.
Theo nhà chức trách địa phương, hiện lương thực thực phẩm ở vùng bị cô lập đang thiếu thốn, dù chưa đói nhưng khó cầm cự được lâu. Tại xã này, 3 người dân mất tích khi đi làm rẫy vào ngày 17/10, nghi do sạt lở đất. Tuy nhiên, lực lượng và phương tiện cứu hộ mỏng nên vẫn chưa tìm ra người mất tích. Ngoài Hướng Việt, hai xã khác là Húc và Hướng Sơn cũng đang bị chia cắt do sạt lở đường.
Đến nay, mưa lũ ở Quảng Trị khiến 50 người chết, trong đó 30 người chết do sạt lở đất, 4 người mất tích, 43.000 nhà dân bị ngập.
Chiều 21/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết trực thăng ở Đà Nẵng, Gia Lâm (Hà Nội) sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ cứu hộ nhân dân; một số trực thăng đã vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chờ lệnh.
"Những trường hợp không thể tổ chức cho người và phương tiện bình thường vào được, thì phải huy động trực thăng để tiếp tế lương thực cho nhân dân ở vùng bị cô lập do bão lũ", ông nói.