Ban đầu được thiết kế như một thí nghiệm, Ingenuity trở thành máy bay đầu tiên hoạt động và bay trên hành tinh khác, cất cánh vào ngày 19/4/2021. Hình ảnh và dữ liệu truyền về Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA tại Pasadena, California, cho thấy ít nhất một cánh quạt bằng sợi carbon của trực thăng bị hỏng khi hạ cánh trong chuyến bay cuối cùng vào tháng này. Nhóm phụ trách xác định trực thăng không thể bay nữa, CNN hôm 25/1 đưa tin.
Ingenuity, phương tiện bay tới sao Hỏa kèm theo robot tự hành Perseverance, đang đậu trên bề mặt hành tinh đỏ và các chuyên viên kiểm soát nhiệm vụ ở JPL có thể duy trì liên lạc với trực thăng. Ban đầu, nhóm phụ trách nhiệm vụ của NASA chỉ dự định để trực thăng bay thử nghiệm 5 chuyến trong vòng 30 ngày. Sau khi phương tiện hoàn thành 5 chuyến bay dự kiến, Ingenuity tiến dần từ vai trò thí nghiệm tới dò đường từ trên không cho robot Perseverance. Trực thăng bay qua những khu vực các nhà khoa học quan tâm để chụp ảnh và giúp đội phụ trách xác định mục tiêu tiếp theo của Perseverance nhằm phân tích chi tiết. Ingenuity thực hiện chuyến bay cuối cùng hôm 18/1.
Kết hợp với nhau, robot tự hành và trực thăng đã khám phá miệng hố Jezero trong vài năm qua. Đây là một hồ nước và châu thổ sông cổ đại trên sao Hỏa. Các nhà khoa học hy vọng mẫu vật thu thập bởi Perseverance và đưa về Trái Đất trong những nhiệm vụ tương lai có thể giúp tìm hiểu sự sống có từng tồn tại ở hành tinh đỏ hay không.
Sau khi cất cánh trên hành tinh khác lần đầu tiên, Ingenuity đã ghi nhận nhiều cột mốc. Phương tiện bay nhiều gấp 14 lần với thời gian dài gấp 33 lần so với dự kiến, hoàn thành hơn hai giờ bay. Theo lịch trình, Ingenuity thực hiện chuyến bay ngắn theo phương thẳng đứng hôm 18/1 để giúp đội phụ trách xác định vị trí chính xác của nó. Mẫu trực thăng phải hạ cánh khẩn cấp trong chuyến bay lần thứ 71 trước đó.
Trong chuyến bay lần thứ 72, Ingenuity bay cao 12 m trong không trung, lơ lửng 4,5 giây và bắt đầu hạ thấp ở tốc độ 1 mét/s. Nhưng khi cách bề mặt sao Hỏa 1 mét, đội phụ trách mất liên lạc với Ingenuity do phương tiện ngừng truyền dữ liệu cho robot tự hành. Ingenuity dựa vào Perseverance để liên lạc bởi trực thăng không thể tự truyền hoặc nhận dữ liệu từ Trái Đất.
NASA khôi phục liên lạc với Ingenuity ngày hôm sau, cho phép đội phụ trách phân tích dữ liệu bay và xem ảnh chụp hé lộ ít nhất một cánh quạt bị hỏng. Họ vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân mất liên lạc và phương hướng của trực thăng khi nó hạ cánh. Có thể một cánh quạt va vào mặt đất trong lúc hạ cánh. Hiện nay, các kỹ sư đang tiến hành một số kiểm tra cuối cùng với Ingenuity, đồng thời tải nốt ảnh và dữ liệu còn sót lại. Hiện nay, robot tự hành ở quá xa so với Ingenuity để chụp ảnh trực thăng.
Dù nhiệm vụ kết thúc, mẫu trực thăng hoạt động vượt xa mong đợi. Đội phụ trách đã vượt qua nhiều thách thức để giữ cho Ingenuity bay lâu hơn tuổi thọ dự kiến của nó. Trong suốt nhiệm vụ, Ingenuity nhiều lần trải qua nâng cấp phần mềm để bay qua địa hình hiểm trở, tự vệ sinh sau bão bụi, sống sót qua mùa đông lạnh giá trên sao Hỏa, thực hiện 3 lần hạ cánh khẩn cấp, một cảm biến chết và hoạt động ở 48 địa điểm khác nhau.
Nhiệm vụ của Ingenuity bắt đầu vào mùa xuân, khi thời tiết ấm áp và trong lành trên sao Hỏa. Nhưng khi mùa đông sao Hỏa đến gần vào tháng 6/2022, Ingenuity không có đủ điện để tự sưởi trong màn đêm lạnh cóng. Kết quả là máy tính điều khiển bay của trực thăng thường xuyên đông cứng và khởi động lại. Tất cả dữ liệu thu thập trong nhiệm vụ kéo dài của Ingenuity sẽ giúp ích cho việc thiết kế máy bay khám phá sao Hỏa và thế giới khác trong tương lai.
An Khang (Theo CNN)