Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmed Vahidi cho hay trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất "hạ cánh khẩn" trên đường từ Khudafarin đến Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan vào 13h30 hôm nay. Vị trí trực thăng gặp sự cố là rừng Dizmar, gần thành phố Varzaqan và Jolfa, tỉnh Đông Azerbaijan, cách thủ đô Tehran khoảng 600 km về phía tây bắc.
Trực thăng chở 9 người, trong đó có Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati và đại diện Lãnh tụ tối cao ở Đông Azerbaijan Mohammad Ali Ale-Hashem, trở về từ lễ khánh thành đập Qiz Qalasi. Đây là con đập thứ ba mà Iran và Azerbaijan xây trên sông Aras ở biên giới hai nước.
"Trực thăng gặp sự cố do điều kiện thời tiết bất lợi, số phận của các hành khách chưa được xác nhận", truyền hình nhà nước Iran hôm nay đưa tin. Hai trực thăng còn lại trong đoàn, chở Bộ trưởng Năng lượng Ali Akbar Mehrabian và Bộ trưởng Nhà ở và Giao thông Mehrdad Bazrpash, đều đến nơi an toàn.
Một quan chức Iran giấu tên nói với Reuters rằng trực thăng đã rơi khi băng qua địa hình đồi núi giữa sương mù dày đặc. Quan chức này cho hay Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amirabdollahian đang "đối mặt nhiều rủi ro".
"Chúng tôi vẫn hy vọng, nhưng thông tin từ địa điểm trực thăng rơi rất đáng lo ngại", quan chức này nói.
Hãng thông tấn IRNA cho biết thời tiết xấu đang cản trở nỗ lực tìm kiếm cứu nạn. Truyền hình nhà nước Iran đã dừng mọi chương trình thông thường để phát lời cầu nguyện cho Tổng thống Raisi và truyền trực tiếp hình ảnh các đội cứu nạn tìm kiếm ở khu vực đồi núi, giữa màn sương dày đặc.
"Một số quan chức tháp tùng Tổng thống đã liên lạc với Bộ Chỉ huy Trung tâm, dấy lên hy vọng sự việc không có thương vong", hãng tin Tasnim cho biết. Hiện chưa rõ tình trạng của ông Raisi.
Ông Raisi, 63 tuổi, đắc cử tổng thống Iran năm 2021. Ông bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt năm 2019 với cáo buộc vi phạm nhân quyền, điều mà Iran luôn bác bỏ.
Tổng thống Iran là người đứng đầu bộ máy hành chính, được người dân bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Tuy nhiên, Tổng thống Iran không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang, hay chính sách hạt nhân của nước này. Các quyền lực trên thuộc về Lãnh tụ Tối cao Iran, người có thể bổ nhiệm người đứng đầu nhiều chức vụ quyền lực trong quân đội, chính phủ dân sự và tư pháp.
Tổng thống Iran đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Văn hóa và Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, giữ nhiệm kỳ 4 năm và không được đảm nhận quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trong trường hợp tổng thống đương nhiệm qua đời hay bị bãi nhiệm, Hiến pháp Iran quy định Hội đồng Tổng thống sẽ đảm nhận vai trò này cho đến khi tổ chức bầu cử.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)