Các ngư dân trên tàu đưa ông Oanh vào Bệnh xá Quân y đảo Phan Vinh, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, cấp cứu, sáng 25/9. Lúc này bệnh nhân đã hôn mê sâu, sốt 39,4 độ C, co giật, đồng tử giãn một mm không đáp ứng ánh sáng.
Đội ngũ y tế ở bệnh xá sơ cứu ban đầu, đồng thời kết nối hội chẩn trực tuyến từ xa với Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Quân khu 7, Quân khu 3 trong đất liền. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ phình mạch não, chưa loại trừ viêm màng não, tiên lượng rất xấu, đề nghị chuyển về đất liền điều trị.
Sáng 26/9, máy bay trực thăng của Binh đoàn 18 cùng Tổ cấp cứu đường không thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã bay ra đảo Phan Vinh trong thời tiết rất xấu.
Trung úy, bác sĩ Trương Xuân Bách, người trực tiếp ra Trường Sa đón bệnh nhân, cho biết công tác cấp cứu ban đầu hiệu quả nên tri giác bệnh nhân cải thiện, gọi hỏi biết nhưng trả lời còn lộn xộn. Ê kíp quyết định đưa bệnh nhân về đất liền phẫu thuật. Trực thăng đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất cùng ngày, xe cấp cứu đón bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 cách đó 5 km.
Đại diện Bệnh viện Quân y 175 sáng 27/9, cho biết kết quả hình ảnh MRI, CT scan não xác định bệnh nhân bị xuất huyết não thất hai bên, biến chứng giãn não thất và phù não mức độ nặng. Ca phẫu thuật tiến hành ngay trong đêm, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân còn nặng, nguy cơ xuất huyết não tái phát và nhiễm khuẩn bệnh viện cao.
Nhiều năm qua, tại miền Nam, máy bay trực thăng đưa nhiều bệnh nhân nặng từ Trường Sa về đất liền điều trị. Trực thăng thường khởi hành/đậu đáp tại sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó bệnh viện đưa xe cấp cứu ra đón. Bệnh nhân phải thay đổi phương thức vận chuyển nhiều lần, mất thời gian di chuyển.
Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện đầu tiên ở TP HCM phối hợp với đơn vị quốc phòng tổ chức trực thăng cấp cứu. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên của thành phố có sân đáp trực thăng để máy bay đưa bệnh nhân trực tiếp về viện thay vì hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ vậy bệnh viện rút ngắn thời gian cứu sống bệnh nhân, tăng hiệu quả điều trị, thuận tiện cho nhân viên y tế.
Đầu tháng 8/2011, Bệnh viện Quân y 175 đã thử nghiệm chuyến trực thăng cấp cứu đầu tiên đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên sân đáp trực thăng của viện chưa chính thức hoạt động nên các chuyến bay đưa bệnh nhân từ Trường Sa về viện vẫn hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự kiến cuối năm 2021, khi Viện Đa khoa với 1.000 giường thuộc bệnh viện khánh thành thì sẽ có thêm một sân đáp trực thăng nữa. Hai sân đáp trực thăng giúp tăng cường khả năng vận chuyển, đặc biệt trong tình huống cấp cứu tai nạn hàng loạt.
Bãi đáp của bệnh viện được xây dựng đa năng, hiện đại, đỗ được nhiều loại trực thăng từ thông thường đến trực thăng vũ trang. Trực thăng được trang bị các phương tiện cấp cứu cơ bản, có thể tạm thời giải quyết những vấn đề khẩn cấp của người bệnh ngay khi đang bay.
Bệnh viện đã xây dựng đề án Dịch vụ trực thăng cấp cứu phục vụ nhu cầu vận chuyển người bệnh dân sự, nhất là vận chuyển tạng. Chi phí cho một chuyến bay trực thăng sẽ được bệnh viện công bố khi được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và UBND TP HCM.
TP HCM còn có bốn bệnh viện khác có sân đậu trực thăng, gồm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh), Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (quận 9), Bệnh viện Nhân dân 115, khu Chẩn đoán kỹ thuật cao (quận 10), Bệnh viện Tim Tâm Đức (quận 7).
Thư Anh