Bộ trưởng Nội vụ Iran chiều tối 19/5 cho hay trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng một số quan chức, cận vệ đã phải "hạ cánh khẩn" do gặp sự cố trên đường từ Khudafarin đến Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan. Tuy nhiên, giới chức Iran không đề cập đến bất cứ cuộc gọi cầu cứu nào của phi công, cũng như không biết rõ tình trạng, vị trí của phi cơ khi mất liên lạc.
Hơn 16 tiếng sau, lực lượng cứu hộ mới phát hiện và tiếp cận xác trực thăng cháy rụi trên sườn núi ở rừng Dizmar, nằm giữa thành phố Varzaqan và Jolfa, tỉnh Đông Azerbaijan, cách thủ đô Tehran khoảng 600 km về phía tây bắc.
"Chúng tôi không thấy bất cứ thông tin nào về việc phi công trực thăng liên lạc với sở chỉ huy khi gặp nạn. Có lẽ phi công khi đó quá tập trung vào việc duy trì độ cao hoặc tìm cách hạ cánh", chuyên gia phân tích hàng không Kyle Bailey nói với Al Jazeera ngày 20/5.
Theo ông Bailey, phi công thông thường sẽ duy trì liên lạc thường xuyên với đài kiểm soát không lưu và sở chỉ huy, kịp thời báo cáo các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, khi trực thăng gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng và bất ngờ, nhiệm vụ đầu tiên của phi công là giữ cho phi cơ ổn định, sau đó mới tìm cách liên lạc và phát tín hiệu cầu cứu.
Chuyên gia cho rằng việc phi công không phát tín hiệu khẩn cấp nào khi gặp nạn cho thấy có vấn đề nghiêm trọng về khả năng điều khiển chiếc trực thăng.
Theo Bailey, ảnh hiện trường cho thấy chiếc trực thăng bị gãy làm đôi, phần đuôi bị rời ra khỏi khung thân, có thể là do cánh quạt chính của trực thăng đã va chạm với phần đuôi.
Điều này xảy ra do lực khí động học khi phi công nỗ lực chuyển hướng hoặc cơ động để tìm cách hạ cánh trực thăng, hoặc đã xảy ra trục trặc kỹ thuật nào đấy với cánh quạt. Ông cũng không loại trừ khả năng phần cánh quạt ở đuôi trực thăng bị hỏng, khiến phi cơ bị xoay tròn.
"Nếu trực thăng quanh tròn mất kiểm soát, điều đó cho thấy phần cánh quạt giữ ổn định ở đuôi đã gặp sự cố", ông Bailey nói.
Chuyên gia này cho biết thêm điều kiện thời tiết bất lợi, với sương mù dày đặc cùng địa hình đồi núi phức tạp, cũng có thể là những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Iran.
Chiếc trực thăng Bell 212 gặp nạn khi đang chở 9 người, trong đó có Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati và đại diện Lãnh tụ tối cao ở Đông Azerbaijan Mohammad Ali Ale-Hashem, trở về từ lễ khánh thành đập Qiz Qalasi.
Hãng tin Mehr News có liên hệ với chính phủ Iran xác nhận "toàn bộ hành khách trên trực thăng chở Tổng thống và Ngoại trưởng Iran đã thiệt mạng".
Trực thăng Bell 212 do Mỹ phát triển từ cuối thập niên 1960 và bán cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Iran trước khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979. Iran hiện phải dựa vào nguồn lực trong nước để bảo trì số trực thăng này, do hứng chịu loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Đây là dòng phi cơ được tin dùng trong hoạt động tiếp tế và vận chuyển cho các giàn khoan xa bờ, do nó được chứng nhận đủ khả năng vận hành trong điều kiện thời tiết xấu và có độ tin cậy cao. Dù vậy, dữ liệu thống kê của trang Aviation Safety cho thấy đã có 430 tai nạn liên quan đến dòng Bell 212, trong đó hàng loạt vụ gây chết nhiều người.
Ngọc Ánh (Theo Al Jazeera/Reuters/AFP)