Sự xuất hiện của cặp song sinh nhận được những tràng vỗ tay động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 2.300 đại biểu. Nhiều người lau nước mắt khi nhìn thấy hai em bé chập chững bước đi.
Trên sân khấu, các bác sĩ mỉm cười khi một lần nữa hội ngộ hai chị em. Họ mặc nguyên áo blouse trắng, là các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố, thực hiện ca phẫu thuật tách đôi cặp song sinh hồi tháng 9.
Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho biết đến giờ, cặp song sinh đã có được sự phát triển về tâm thần vận động phù hợp với lứa tuổi. Thực hiện thành công ca mổ là sự góp sức của gần 100 y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, với tinh thần đồng đội, kỷ luật, thực hiện đúng kế hoạch đã thống nhất.
Tái ngộ chị em Trúc Nhi, Diệu Nhi, GS bác sĩ Trần Đông A, cố vấn trưởng ca phẫu thuật nhớ về ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức năm 1988. Đất nước khi ấy trong thời kỳ cấm vận cực khó khăn. Kíp mổ không có thuốc sát trùng, không có kháng sinh, không có cả chỉ khâu cho em bé, thực hiện ca mổ chưa có tiền lệ trong y văn thế giới.
Bác sĩ Đông A nhớ, khi ấy Việt đã bị bại não. Các bác sĩ Nhật Bản đã lên kế hoạch mổ nhưng rồi các em lại được chuyển về Việt Nam. Nhưng người Nhật thông qua Hội chữ thập đỏ Nhật Bản giúp đỡ phương tiện để thực hiện ca phẫu thuật. Lúc ấy, chỉ có mình ông là bác sĩ nhi, gần 70 người còn lại là chuyên gia về bệnh người lớn. Các bác sĩ đã bàn luận sáu tháng trời trước khi tiến hành phẫu thuật.
Ca mổ thành công, theo bác sĩ Trần Đông A còn để lại nhiều bài học cuộc sống. Bởi ngoài tài năng của ekip, còn là sự can đảm của bệnh nhi Đức, khi đó đã hơn 7 tuổi, ý thức được sự nguy hiểm của ca phẫu thuật và mong muốn được tách khỏi người anh. Điều quan trọng, là Nhà nước đã quyết tâm cho phép thực hiện ca mổ chưa có tiền lệ trong y văn thế giới. 32 năm sau, ông lại trở thành cố vấn trưởng trong ca mổ tách đôi song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. Thành phần ca mổ còn có cả học trò, đàn em của ông. Tất cả đều được đào tạo bài bản về phẫu thuật nhi, thực hiện ca mổ ở bệnh viện hiện đại với những thiết bị tốt nhất, không kém các bệnh viện hàng đầu thế giới.
2020 là một năm đáng nhớ của ngành Y tế Việt Nam. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trở thành bệnh viện tuyến đầu chống Covid-19, góp phần đưa nước ta trở thành điểm sáng trong công tác ngăn ngừa, phòng chống COVID-19.
Ca mổ tách rời hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi do tập thể bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP HCM thực hiện đánh dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, đưa Việt Nam lên bản đồ y khoa thế giới. Hai bé được sinh ra từ tình yêu thương vô bờ và hành trình can trường của bố mẹ, và rồi được "khai sinh thêm một lần nữa" trong hình hài nguyên vẹn sau một ca đại phẫu thuật đầy rủi ro.
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", diễn ra trong hai ngày 9 và 10/12.
2.300 đại biểu về dự Đại hội, trong đó có 280 đại biểu khách mời; 2.020 đại biểu chính thức, được lập thành 133 đoàn.
Hoàng Phương - Hoàng Thùy