Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tiếng Nga, Trung Quốc vào thí điểm giảng dạy đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. VnExpress tiếp tục nhận được chia sẻ của một độc giả về chủ đề này.
Tất cả ngôn ngữ trên trái đất này đều bình đẳng như nhau. Từ những ngôn ngữ hàng tỷ người dùng đến những ngôn ngữ chỉ vài trăm người sử dụng thì chúng ta cũng nên tôn trọng kho tàng kiến thức của thế giới. Có lẽ chỉ vì lợi ích một quốc gia hay một nhóm quốc gia... đã đẩy thế giới vào chiến tranh nghèo đói triền miên, chết chóc đổ nát hoang tàn ở khắp nơi, kéo ngôn ngữ trở thành thù địch và triệt tiêu lẫn nhau.
Khi hiểu về ngôn ngữ của nhau người ta dễ trở thành bạn, chứ ít khi trở thành kẻ thù; khi hiểu được ngôn ngữ thì dân tộc lớn hay nhỏ cũng sẽ hiểu nhau hơn như vậy mọi dân tộc sẽ có môi trường hòa bình cùng phát triển. Tuy rằng đã đang hoặc sẽ có những giai đoạn lịch sử xảy ra xung đột và chiến tranh, khi đó những dân tộc nhỏ bé càng cần hiểu được ngôn ngữ của đối thủ, vì hiểu được thì sẽ có nhiều lựa chọn cách đánh để chiến thắng.
Lịch sử hào hùng vẫn còn đó khi "Hịch tướng sĩ" hay "Bình ngô đại cáo" đều được viết bằng Hán Nôm, và khi nghe thấy hay đọc những bài đó, kẻ thù còn khiếp sợ. Hiểu được ngôn ngữ cũng sẽ giúp các chiến sĩ đang bảo vệ hải đảo biên cương nói cho người nước ngoài biết rằng đang đi vào khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiểu được ngoại ngữ thì có lẽ những bà con nông dân sẽ hiểu được rằng đó là gói thuốc sâu cực độc, sẽ suy nghĩ lại để không bơm vào rau quả bán cho đồng bào mình ăn.
Hơn nữa Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa nông sản của Việt Nam, còn Nga thì ngoài việc bán tới hơn 90 vũ khí các loại để phòng thủ và bảo vệ đất nước hình chữ S này, còn là thị trường lớn để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu này thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án đưa thêm ngôn ngữ vào giảng dạy là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay chúng ta phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước khác có sản phẩm cùng loại như Việt Nam. Thông qua ngôn ngữ chúng ta sẽ hiểu được nhu cầu của họ là gì để sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm hơn.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đề án thêm nhiều môn ngoại ngữ vào giảng dạy, đã có một số phụ huynh phản đối một cách thái quá và tiêu cực. Trên các trang mạng xã hội ồn ào a dua với nhau, nào là sẽ cho con nghỉ học rồi du học, nào là lấy quyền một người mẹ phản đối việc đưa tiếng Trung tiếng Nga vào giảng dạy. Cũng dễ hiểu và thông cảm cho những phụ huynh này vì đất nước dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc và ngay cả bây giờ họ cũng đang chèn ép và tạo ra tranh chấp trên biển đông.
Nhưng ở đây là những phụ huynh có cách suy nghĩ rằng sẽ cho con nghỉ học nếu Bộ đưa vào giảng dạy. Họ lại không nghĩ một điều làm vậy là tước đi quyền được lựa chọn của trẻ, dùng quyền người mẹ để áp đặt lên đầu các em. Chúng ta phải tôn trọng quyền lựa chọn của bọn trẻ, hãy cho chúng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Chính phủ Việt Nam không cấm việc gia đình nào đó có điều kiện đưa con em ra nước ngoài học tập. Học tập ở đâu cũng vậy, nếu học tốt thì sau này sẽ đóng góp công sức cho sự phát triển chung của nhân loại. Bộ đưa đề án thêm ngôn ngữ vào giảng dạy, dành cho các em nhiều sự lựa chọn, cũng là để những em mong muốn học và nghiên cứu những ngoại ngữ này có cơ hội học tập khi mà gia đình các em không có điều kiện du học nước ngoài.
Nhiều người cũng than rằng tiếng Trung loằng ngoằng khó học, không phải là ngôn ngữ để phát triển khoa học kỹ thuật như tiếng Anh..., đó là suy nghĩ và tư duy của những người lười nhác. Bởi vì không nói đâu xa chữ viết của Nhật Bản thì có tới 70% là giống chữ Hán, nhưng khoa học kỹ thuật của Nhật Bản thì đang vào loại top đầu thế giới, kể cả chữ Hàn Quốc cũng vậy.
Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng nhưng cũng cần tính toán thật kỹ và chọn thời điểm thích hợp để triển khai thì mới có hiệu quả, tránh đi vào vết xe đổ như dự án dạy tiếng Anh đã thực hiện những năm qua.
- Thứ nhất, Bộ cần xem xét hiện tại quân số giáo viên cho những môn ngoại ngữ này đã đủ chưa? Hay khi không đủ thì lại chắp vá giáo viên vừa dạy vừa phải đi bổ túc nâng cao thì rất tốn kém.
- Thứ hai là giáo án, phương pháp dạy đã quy chuẩn chưa?
- Thứ ba là khi đưa ra quyền lựa chọn cho các em thì chắc chắn sẽ phải tách thành nhiều lớp, để đảm bảo không bị chồng chéo, như vậy cơ sở vật chất tại các trường hiện nay có đáp ứng đủ không?
Đó có thể là những khó khăn trong rất nhiều khó khăn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vấp phải. Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương đúng đắn này của Bộ, rất mong mọi người ủng hộ để thực hiện đề án và chúng ta sẽ có được những thế hệ con cháu đủ sức sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
L.U.Y.Q.