Đầu năm, Trọng Tấn dự họp báo giới thiệu liveshow anh làm khách mời. Ca sĩ chia sẻ về công việc, cuộc sống gia đình và bà xã Thanh Hoa - bạn đời gắn bó hơn 20 năm nay.
- Dịp giáp Tết Nguyên đán, công việc của anh thế nào?
- Tôi nhận lời hát ở nhiều sự kiện, liveshow lớn nhỏ, công việc bộn bề. Giao thừa năm nay, tôi may mắn được diễn ở quê nhà Thanh Hóa nên sẽ có thời gian về sớm quây quần gia đình.
Sáu năm nay, từ khi nghỉ dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi thấy mình có nhiều thời gian, tâm trí làm nghệ thuật, thu nhập cải thiện hơn. Tôi nghĩ những nghệ sĩ như mình nên lựa chọn con đường như vậy. Công việc ở ngành sư phạm, nếu tôi không làm, nhiều người khác vẫn sẽ làm, thậm chí tốt hơn tôi.
- Bận rộn như vậy, anh làm thế nào để sắp xếp thời gian cho gia đình?
- Lịch diễn của tôi thường dồn dập vào một số thời điểm nhất định. Qua quãng thời gian đó, tôi lại rảnh rỗi, bù đắp cho vợ con. Gia đình tôi thường sắp xếp một năm đi du lịch cùng nhau vài lần. Tôi vẫn có thể lách lịch, dành thời gian kèm cặp các con học.
- Vợ anh - chị Thanh Hoa - hỗ trợ chồng thế nào trong công việc và cuộc sống?
- Là đàn ông, tôi đóng vai trò trụ cột kinh tế gia đình. Thế nhưng nếu không có vợ, tôi không thể nào hoàn thành tốt. Tôi đi vắng nhiều, cô ấy là người quán xuyến, chăm lo mọi thứ.
Với công việc, cô ấy giúp tôi kiểm soát các hợp đồng biểu diễn. Vợ tôi rất kỹ tính trong những việc liên quan đến sự nghiệp của chồng. Chúng tôi nhiều lần bất đồng quan điểm, giận nhau. Sau phút to tiếng, tôi thấy cần tham khảo để thay đổi. Thực tế, bà xã giúp tôi có hình ảnh trẻ trung hơn, không chỉ đóng bộ với vest, áo dài. Cô ấy thường xuyên tham khảo thời trang của các ngôi sao Âu Mỹ, Hàn Quốc... để chọn ra trang phục phù hợp cho chồng. Vợ tôi cũng có gu âm nhạc, là người khuyến khích tôi thử biểu diễn những ca khúc ngoài dòng nhạc đỏ, kết hợp với những giọng ca như Bùi Anh Tuấn, Ngọc Anh 3A...
- Vợ hấp dẫn anh ở điểm gì?
- Tôi nghĩ chuyện lập gia đình phụ thuộc lớn vào nhân duyên. Tôi và vợ hòa hợp từ trước khi kết hôn. Tôi may mắn vì vợ đẹp và đảm đang. Trước khi lấy nhau, cô ấy không phải người quá tháo vát nhưng ngày một hoàn thiện, nấu ăn ngon, quán xuyến gia đình đâu ra đấy. Cô ấy có sự nghiệp riêng, là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia, nhưng vẫn có thể chia sẻ công việc cùng chồng.
- Yêu nhau từ thời cấp ba, anh chị làm thế nào để duy trì sự gắn kết sau nhiều năm quen biết, chung sống?
- Trước đây, chúng tôi đã trải qua khoảng thời gian mộng mơ, yêu đương lãng mạn. Tôi có năng khiếu văn chương, từng sáng tác thơ, viết thư tay cho cô ấy. Vì yêu xa, cả hai càng sướt mướt, lãng mạn hơn. Thế nhưng, ở giai đoạn này, khi có hai con, ngày ngày cận kề, mọi thứ trở nên khác biệt.
Sống chung một mái nhà, chúng tôi không còn yêu cầu nửa kia phải lãng mạn như thời còn yêu. Sự chia sẻ trong công việc, cuộc sống, chăm sóc con cái là điều kết nối cả hai. Vợ chồng tôi giống như hai người bạn, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhau. Tôi thường xuyên đi diễn xa nhà, cảm thấy hình ảnh vợ và những đứa con luôn hiển hiện trong đầu, như thể máu thịt của bản thân. Thỉnh thoảng, tôi vẫn tặng vợ những món quà bất ngờ nhân dịp sinh nhật hoặc các ngày lễ, tết. Dù vậy, cô ấy không đặt nặng điều đó.
- Hai người chia sẻ chuyện tài chính thế nào?
- Chúng tôi không có quỹ riêng, phân định tiền này của ai, tiền kia của ai. Mọi việc thu, chi đều dựa trên nguyên tắc mở, được công khai. Tôi nghĩ đó là cách khiến hai vợ chồng đều thoải mái.
- Anh, chị giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình ra sao?
- Không vợ chồng nhà ai có thể tránh khỏi những lúc "xô bát xô đũa". Vợ chồng tôi nhiều lần tranh cãi, chủ yếu trong việc chăm sóc, nuôi dạy con. Thế nhưng chúng tôi làm lành khá nhanh vì không muốn không khí gia đình căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý các con. Tôi là đàn ông nên thường chủ động hòa giải trước.
- Anh, chị thống nhất quan điểm dạy con thế nào?
- Các con tôi đang ở tuổi dậy thì, có nhiều chuyển biến tâm lý phức tạp. Các cháu dần muốn tự quyết định chuyện riêng tư, không muốn bố mẹ quan tâm quá nhiều. Vợ chồng tôi từng bế tắc trước những thay đổi của con nhưng sau đó nhận ra đó là điều bình thường. Giờ chúng tôi học cách làm bạn, tôn trọng các con, không can thiệp con làm gì, chơi với ai nhưng vẫn có sự kiểm soát khéo léo. Tôi cho phép con mời bạn về nhà để hiểu hơn về đời sống của cháu. Hai vợ chồng cũng không ngại trao đổi những chuyện nhạy cảm, riêng tư với con. Đến giờ, quan hệ của chúng tôi với các con khá thoải mái.
Với con trai, tôi chọn cách giáo dục vừa mềm mỏng, vừa mạnh mẽ. Trong những cuộc trò chuyện với cháu, tôi chia sẻ với con cách cư xử của một người đàn ông trưởng thành, luôn trân trọng, yêu thương phụ nữ, trước hết thông qua việc giúp đỡ mẹ và em gái. Tôi cũng không cấm cháu có bạn gái, thậm chí còn kể chuyện tình của mình khi xưa để cháu cởi lòng hơn với bố. Tôi thường tìm cách trêu đùa cháu, lồng ghép những câu chuyện về giới tính để giáo dục con. Với con gái, chúng tôi chăm chút, yêu chiều hơn, thường mua cho cháu quần áo, túi xách. Cháu thích nghe bố kể chuyện, vì thế, hai bố con rất gần gũi.
- Anh, chị định hướng thế nào cho các con trên con đường nghệ thuật?
- Hiện tại, hai con đều học hệ trung cấp ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cháu trai học trống Jazz, cháu gái học đàn tranh. Các con thường xuyên hỏi bố về xướng âm, ghi âm. Những lúc đến kỳ thi, tôi phải theo sát các con. Với chuyện học nhạc, vợ chồng tôi không đặt mục tiêu nặng nề, chủ yếu muốn các con được phát huy sở thích, đồng thời tâm hồn phong phú hơn khi tiếp xúc âm nhạc.
Vợ tôi rất nghiêm khắc. Các con theo học nhạc nhưng vẫn phải đảm bảo kết quả tốt với các môn văn hóa. Ngày xưa, tôi học khá đều các môn, đến giờ vẫn có thể kèm cặp con. Thỉnh thoảng, tôi hạnh phúc vì thấy ánh mắt con ngưỡng mộ khi bố giải được bài tập khó. Tôi vui vì vẫn có thể là điểm tựa cho các con trên con đường học tập.
Hà Thu