Trung tâm y tế Thuận An kích hoạt báo động đỏ, huy động tối đa lực lượng y tế ứng cứu. Lại Thị Thương, sinh viên năm ba, trường Đại học Y Hà Nội, cùng hai nhân viên y tế khác thay nhau bóp bóng trợ thở cho bệnh nhân trong một tiếng đồng hồ. Một kíp khác liên tục theo dõi từng hơi thở, nhịp tim, chạy đua thời gian để hồi sức cho người bệnh.
"Đây là một trong những bệnh nhân nặng nhất mà chúng tôi đã tiếp nhận từ 7/7 đến nay. Bệnh nhân nhập viện với SpO2 chỉ 47%. Sau khi thở oxy, SpO2 tăng lên 70 % nhưng đến chiều lại tụt dần", Thương kể lại.
Sau thời gian hồi sức, bệnh nhân ổn định hơn, được vận chuyển lên tuyến trên. Xe cấp cứu vừa đi, tin báo có bệnh nhân khác trở nặng lại "dội về". Cuộc chiến bên trong phòng cấp cứu vẫn nóng như chảo lửa. Tiếng bước chân gấp gáp của nhân viên y tế, tiếng còi hụ của đoàn xe cứu thương liên tục về trước sảnh trung tâm y tế.
Từ ngày vào miền Nam chi viện, khung cảnh này lặp đi lặp khiến Thương quặn thắt. Người mặc bảo hộ toàn thân đi lại khắp lối. Cả viện đặc quánh mùi Chloramine B.
Nhưng, "bệnh nhân không qua khỏi". Thương nhận được tin khi đang làm nhiệm vụ trong ca trực mới. Mất mát khiến cô gái lần đầu đi chống dịch chảy nước mắt. Giữa ranh giới mong manh của sự sống - cái chết và tính khốc liệt của cuộc chiến, Thương ý thức hơn về nhiệm vụ của mình.
Bình Dương đã ghi nhận hơn 36.000 ca Covid-19, tính đến ngày 15/8, xếp thứ hai cả nước, chỉ sau TP HCM. Thành phố Thuận An là một trong những điểm nóng dịch tại địa phương. Khoa Nội, Trung tâm Y tế Thuận An là nơi Thương tham gia hỗ trợ công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19 tình trạng nhẹ và vừa. Những ngày đầu, khoa có khoảng 13-15 y bác sĩ địa phương và 6 sinh viên trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ. Sau đó, một số phải sang hỗ trợ khu cách ly, nhân lực càng mỏng hơn.
Hôm 13/8, Thuận An bổ sung thêm một bệnh viện ICU gần 500 giường, thiết lập tại ba tầng của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex để thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 từ mức độ vừa (tầng 2) đến mức độ nặng, nguy kịch (tầng 3), bao gồm cả bệnh nhân trong và ngoài nước.
Lại Thương là sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội. Ngày 6/7, Thương và các bạn sinh viên, giảng viên lên đường vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch. Tổng nhân lực là 350 người, trong đó, 30 bạn từng tham gia chống dịch ở Bắc Ninh.
Anh Lê Hoàng Anh, Trưởng đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là lần đầu tiên trường có đoàn chi viện đông và đi xa nên kỷ luật và an toàn phải đặt lên hàng đầu, "chỉ cần một bạn có vấn đề về sức khỏe, cũng có thể gây xáo trộn trong công việc và ảnh hưởng đến tinh thần toàn đoàn".
"Ra trận chống Covid-19 cùng các anh chị em y khoa khác là trải nghiệm để chúng tôi được rèn giũa thêm nhưng cũng là thách thức không nhỏ", cô sinh viên tiếp lời.
Làm việc tại bệnh viện Covid-19, các kíp chia ca để giảm bớt áp lực. Kíp vừa làm việc hành chính ở vòng ngoài, vừa vào vòng trong để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Có đêm, không dưới 20 lần, Thương cùng kíp đứng sẵn sàng ở sảnh bên cáng cấp cứu và bình oxy, lần lượt đưa bệnh nhân vào khu điều trị. Từ tuần thứ hai của cuộc chiến, lượng bệnh nhân cao tuổi và có triệu chứng nặng được chuyển đến Trung tâm Y tế Thuận An tăng lên hơn nhiều hơn.
Mỗi ngày, Thương và nhóm điều dưỡng phụ trách chăm sóc người bệnh từ vệ sinh răng miệng, cho ăn, thay bỉm, hút đờm... Kíp còn phải theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhân để kịp thời nhận ra những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng và nhanh chóng có biện pháp điều trị.
"Có khi đang đo SpO2 cho bệnh nhân, chưa kịp triển khai hệ thống thở oxy thì có bệnh nhân khác khó thở. Kíp vòng ngoài nhanh chóng mặc đồ bảo hộ để vào vòng trong chi viện", Thương kể lại.
Cùng lớp với Thương, Nguyễn Thị Hà đang tham gia chống dịch ở cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, ở Tân Uyên. Ban đầu, cô nhận nhiệm vụ tại Trung tâm y tế huyện Phú Giáo, đến ngày 28/7 chuyển sang bệnh viện đa khoa tỉnh. Đây là nơi tiếp nhận bệnh nhân đã có triệu chứng, có bệnh lý nền, cần hỗ trợ thở oxy để điều trị. Hiện, bệnh viện điều trị cho hơn 200 bệnh nhân, một nửa là thở oxy, thở HFNC (oxy dòng cao).
Hà cho biết hai ngày đầu là thời gian quá tải nhất khi liên tục tiếp nhận bệnh nhân. Từ 46 ca tăng lên 200 ca chỉ trong một ngày. Riêng tối 30/7, từ 9h tối đến 7h sáng, Hà tiếp nhận hơn 60 bệnh nhân cùng nhập viện. Nhiều bệnh nhân cao tuổi, không đi vệ sinh được, sức khỏe yếu phải nằm thở máy, phải nhờ cô nghe điện thoại người nhà để truyền lại cho bệnh nhân, động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.
"Hạnh phúc nhất là chứng kiến quá trình bình phục của bệnh nhân, đến khi họ có thể nói chuyện được với người nhà đã là thành công", Hà tâm sự.
Khó khăn khác là đáp ứng oxy cho bệnh nhân. Thương kể, mỗi bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy mask ở mức tối đa có thể dùng hết một bình oxy dung tích 40 lít trong vòng hơn ba tiếng. Trong khi đó, ở trung tâm đang điều trị hơn 20 bệnh nhân nặng như vậy. Một phòng 15 bệnh nhân, xung quanh có ba bình oxy, "chỉ sợ hết oxy thì bệnh nhân nguy kịch nên công tác làm việc luôn nhanh và an toàn".
"Cả ngày quần quật với công việc, thỉnh thoảng tựa lưng nghỉ vài phút thì tiếng lăn bình oxy cọ trên sàn vang lên mà choàng tỉnh. Thêm bệnh nhân cần oxy rồi", Thương chia sẻ.
Sau mỗi ca trực, ai cũng khát nước, người ướt sũng mồ hôi, có người còn đau nhức vùng tai và mắt vì kính và khẩu trang thít chặt.
Ở mặt trận khác, Nguyễn Ngọc Minh Hải, trưởng nhóm truy vết tại Thuận An, đốc thúc mọi người làm việc. Thuận An là vùng đỏ, số ca nhiễm cao, có nhiều hôm ca dương tính hơn 1.000 ca một ngày, cuốn nam sinh viên năm cuối đến mức "không còn thời gian để mà lo lắng nữa". Hải quan niệm "chống dịch tốt cũng là cách bảo vệ mình và mọi người".
Mỗi ngày, đoàn 30 người chia nhau truy vết cộng đồng và gọi điện cho F0. Công việc khá phức tạp vì đan xen cộng đồng và trong khu công nghiệp, "nhiều lúc không thể xác định nguồn lây từ đâu". Theo Hải, số ca truy vết từ ngày 7/7 đến nay hơn 4.500 ca và tiếp tục tăng mỗi ngày.
Trong những ngày đầu vào chi viện, Hải và mọi người mất nhiều thời gian để làm quen với địa bàn, thời tiết và công việc. Công việc truy vết nhiều nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm lớn khi phải "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng địa điểm". Nhiều người phồng rộp chân và đau nhức, hai mắt trũng xuống vì thiếu ngủ nhưng vẫn cười nói động viên nhau. Chưa kể, nhiều F0, F1 không phải người Việt, đoàn buộc phải nhờ đến lực lượng chức năng giúp đỡ.
"Chúng mình không so sánh công việc, bởi mỗi việc có đặc thù khác nhau. Người đi điều trị phải tiếp xúc nhiều F0, người đi lấy mẫu có hôm 3h sáng mới về, nhưng chỉ cần đồng lòng, quyết tâm thì đều vượt qua được", Hải nói.
Hơn một tháng chống dịch xa nhà, niềm mong mỏi của Thương, Hà, Hải... lúc này là vượt qua đại dịch, trở về nhà. Nếu không có Covid-19, Thương, Hà cũng bận chuẩn bị cho chuyến thực tế năm ba còn Hải sẵn sàng bước vào năm học cuối, trước khi trở thành bác sĩ đa khoa tương lai.
"Tất cả phải chạy đua thôi, dù ai cũng đang gắng hết sức mình", Hải nói rồi cúp máy điện thoại, vội vàng quay lại với công việc.
Thùy An