
HLV Popov (Thanh Hóa) phản ứng trọng tài Lê Vũ Linh trong trận Thanh Hóa hòa TP HCM 2-2 ở V-League 2024-2025 ngày 14/2 trên sân Thống Nhất. Ảnh: Đức Đồng
VAR đã được đưa vào áp dụng trong tất cả trận đấu tại V-League 2024-2025, theo đúng tiêu chuẩn FIFA. Đây là bước tiến lớn so với những mùa trước. Tuy nhiên, điều này chưa giúp giải quyết triệt để các vấn đề, đôi khi còn gây ra tranh cãi về việc trận đấu bị trì hoãn, gián đoạn nhiều lần và thậm chí là các quyết định khó hiểu từ trọng tài.
Điển hình như việc trọng tài Lê Vũ Linh chỉ rút ra thẻ vàng sau khi tham khảo VAR và xem kỹ băng hình đối với pha phạm lỗi bạo lực của hậu vệ Giáp Tuấn Dương (CAHN) khiến Ban tổ chức sau đó phải ra án phạt bổ sung. Đến vòng 8, cảm thấy không phục khi VAR hai lần hủy phạt đền, HLV Văn Sỹ Sơn thậm chí đã nổi nóng, kêu gọi các cầu thủ Quảng Nam bỏ trận đấu với SLNA.
Theo ông Xương, việc Ban tổ chức áp dụng VAR ở V-League, thậm chí là giải hạng Nhất cho những trận quan trọng như Bình Phước - Ninh Bình, là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc sử dụng VAR thế nào để mang lại hiệu quả là một câu chuyện khác.
"Tôi thấy rằng, VAR ở Việt Nam xử lý quá lâu, để trận đấu gián đoạn quá nhiều. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và lối chơi của cầu thủ", ông nói. "Có nhiều tình huống bằng mắt thường cũng xử lý được, chỉ cần quay chậm lại đã thấy rõ ràng, nhưng VAR vẫn vào cuộc rồi trọng tài mất nhiều phút để xem đi xem lại trước khi đưa ra quyết định. Có cảm giác rằng từ khi có VAR, các trọng tài trở nên an toàn, lạm dụng và thiếu quyết đoán hơn. Họ sợ sai, sợ bị phạt. Nhưng trong những tình huống đã được đào tạo chuyên môn, họ nên đưa ra chính kiến, không nên phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ".
Chuyên gia 66 tuổi lý giải rằng, có thể do điều kiện cơ sở vật chất, sân cỏ Việt Nam chưa tốt khiến VAR gặp khó khăn, nhưng một phần cũng do năng lực trọng tài VAR chưa đủ tốt để xử lý nhanh tình huống. "VAR thực chất chỉ là một công nghệ để hỗ trợ, còn người vận hành và ra quyết định cuối cùng vẫn là trọng tài. Vì vậy, Ban tổ chức nên rút kinh nghiệm, khẩn trương nâng cao chất lượng 'phần con người' để các trận đấu diễn ra suôn sẻ hơn, nhanh chóng và hấp dẫn hơn", ông nhấn mạnh.
Tại vòng 13 cuối tuần qua, các trọng tài tiếp tục bị phản ứng mạnh, dẫn đến thẻ đỏ cho HLV Velizar Popov (Thanh Hóa) và Lê Đức Tuấn (Đà Nẵng). HLV Sỹ Sơn thậm chí cho rằng "vấn nạn trọng tài kéo bóng đá Việt Nam đi xuống".
Là người làm nghề lâu năm, ông Xương hiểu áp lực và căng thẳng đối với các đồng nghiệp, nhưng không đồng tình với những hành động phản cảm hay lời nói xúc phạm trọng tài. "Cuộc chơi nào cũng có những luật lệ. V-League đang cố gắng xây dựng để trở nên đẹp hơn trong mắt công chúng. Do đó, mọi thứ đi quá khuôn phép cần bị xử lý", cựu HLV của Đồng Tháp nói, nhưng nhấn mạnh thêm rằng sự khúc mắc thường xuất phát từ hai phía, đòi hỏi các HLV phải bình tĩnh, tập trung vào chuyên môn và các trọng tài cũng cần sâu sát, lắng nghe và tìm hiểu kỹ hơn về những phản ứng của đội bóng.

Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh mừng bàn nâng tỷ số 2-0 trong trận Bình Dương hòa Hà Tĩnh 2-2 ở vòng 13 V-League 2024-2025 chiều 16/2 trên sân Gò Đậu. Ảnh: Đức Đồng
Cuối tuần qua V-League đã kết thúc giai đoạn một. Nam Định, Thanh Hóa, Thể Công và Hà Nội đang chia nhau bốn vị trí cao nhất. Theo ông Xương, những vị trí này phản ánh đúng năng lực, khát vọng cũng như sự chuẩn bị của các đội top 4. Ông chỉ hơi tiếc cho Bình Dương, khi đã đầu tư mạnh, có chiều sâu đội hình nhưng không duy trì được sự ổn định về lối chơi và thành tích do xáo trộn ở ghế huấn luyện. Bên cạnh đó là CLB Công an Hà Nội, đội chơi rất ấn tượng ở đấu trường Đông Nam Á nhưng tỏ ra thất thường khi quay về V-League. "Dù vậy, khoảng cách về điểm số ở nhóm đầu và nhóm giữa không đáng kể. Cuộc đua vô địch vì vậy sẽ gây cấn ở giai đoạn hai", ông nhận định.
Ở nhóm dưới, Đà Nẵng, Quảng Nam, SLNA, Hải Phòng... đang chật vật trong cuộc đua trụ hạng. Ông Xương cho rằng khi không mạnh về kinh phí, cầu thủ nội không nổi bật và chất lượng ngoại binh không cao, các đội bóng này buộc phải liệu cơm gắp mắm, cố gắng chắt chiu từng điểm số. Theo ông, nhóm đội này không thể trở thành "ngựa ô" ở nửa cuối mùa này.
Trong cuộc đua Vua phá lưới, Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương) đang dẫn đầu với chín bàn, xếp sau là các ngoại binh. Điều này có được là nhờ vào chiến lược từ đầu của Bình Dương. Mùa này đội bóng đất Thủ không sử dụng tiền đạo ngoại, mà ưu tiên để cầu thủ của mình như Tiến Linh, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Trần Việt Cường... ra sân thường xuyên hơn.
"Từ đó, tôi nghĩ rằng nếu các đội bóng cùng tạo điều kiện nhiều hơn cho tiền đạo nội, chất lượng hàng của đội tuyển sẽ được cải thiện hơn nhiều", ông Xương nói, nhưng cũng cho rằng nếu không chấn thương, Nguyễn Xuân Son có thể đang dẫn đầu cuộc đua ghi bàn vì mới chơi vài trận đầu mùa đã có bảy lần lập công.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương sinh năm 1959, là cầu thủ rồi HLV ở các CLB như Đồng Tháp, Tiền Giang, U20 Việt Nam, Bình Dương, Quân khu 7, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình, TP HCM... Ông từng cùng bóng đá Đồng Tháp vô địch các năm 1989 và 1996, vô địch giải hạng Nhất cùng Quân khu 7 năm 2007. Ông cũng là giảng viên dạy bóng đá của Trường Đại học TDTT TP HCM đồng thời là "cha đẻ" của chương trình Bóng đá học đường đang được Liên đoàn bóng đá TP HCM áp dụng. Ông hiện tham gia công tác phát triển bóng đá cộng đồng của Liên đoàn bóng đá TP HCM. |
Đức Đồng