Thứ sáu, 8/11/2024
Chủ nhật, 31/5/2020, 14:45 (GMT+7)

Trồng sen thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ

Hà TĩnhHơn 60 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà trồng sen giữa ruộng lúa, cho thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng mỗi vụ từ việc bán đài sen.

Đồng sen ở thôn Thanh Châu, huyện Thạch Hà rộng 7 ha, thuộc sở hữu của hơn 60 hộ dân. Trước kia, nơi đây là ruộng trũng nước, trồng lúa năng suất thấp nên người dân bỏ hoang.

Bảy năm trước, ông Nguyễn Đình Quyến, Bí thư chi bộ thôn hái một mồi sen về trồng tại ao trong thôn, rễ sen sau đó bén ra 7 ha ruộng. Sen chỉ phải trồng một lần, hàng năm cây tự mọc từ rễ có sẵn, bắt đầu từ tháng 2, cuối tháng 7 tự tàn. Khi vào mùa, người dân chỉ cần hái một hoặc hai mồi đem cắm giữa ruộng, sau vài tuần rễ cây tự lan ra xung quanh. Sau năm đầu tiên để cây sen mọc tự nhiên, người dân thôn Thanh Châu nhận thấy thu nhập từ việc hái đài sen đem bán cho thu nhập khá, nên chú trọng hơn đến việc chăm sóc đồng sen. Hơn 60 hộ dân trong thôn sở hữu từ 1 sào cho đến 2 ha đất trồng.

Sen mọc lẫn giữa ruộng, người dân phải đóng cọc tre, chăng dây nylon để phân chia. Theo ông Lê Phi Tỷ, 61 tuổi, trú thôn Thanh Châu, việc ngăn ruộng là để các hộ dân không hái lẫn lộn sen của nhau, nhằm bảo vệ tình cảm, tránh mất tình làng nghĩa xóm.

Bà Hoàng Thị Thanh, 68 tuổi, trú thôn Thanh Châu cho biết, gia đình có 2 sào đất trồng sen, đến thời điểm nay đã thu được gần 2 triệu đồng từ việc bán đài sen, dự tính cuối mùa có thể đạt 10 triệu đồng.

Vào vụ, cách 3 - 5 ngày người dân sẽ ra đồng thu hoạch đài sen một lần. Mỗi buổi, một người có thể hái được khoảng 20 - 50 kg đài sen. 

Đài sen trưởng thành có dạng hình tròn, bán kính từ 3 đến 6 cm.

Hai tiếng trong buổi chiều muộn ngày 30/5, bà Thanh hái được một bao tải đài sen khoảng 30 kg, đem về nhà để các con tách hạt. "Năm nay sen được mùa, đài lớn, hạt to", bà nói.

Trên các con đường dẫn ra ruộng, người dân cắm biển cảnh báo, nhắc nhở bà con ý thức bảo vệ đồng sen, không nên phá hoại.

Chiều muộn, ánh nắng hắt xuống đồng khiến ruộng sen trở nên lung linh. Nhiều bạn trẻ ở thôn Thanh Châu đã chụp ảnh đồng sen đăng lên mạng xã hội, thu hút nhiều người đến chụp ảnh.

Trồng sen không phải bỏ chi phí, chỉ mất công nhân giống vào đầu vụ. "Sen sinh trưởng và phát triển nhanh trong khoảng 35 ngày. Loại cây này mang lại một khoản thu nhập khá lớn trong lúc nông nhàn cho bà con", ông Lê Phi Sơn, 59 tuổi, trú thôn Thanh Châu, nói.

Bà Lê Thị Thỏa, 52 tuổi cười tươi, cho hay năm nay sen được giá, một kg hạt sen tươi chưa bóc vỏ, bỏ tâm sen giá 35.000 đến 50.000 đồng. "Tôi trồng 5 sào, năm nay ước tính một ruộng cho năng suất từ 3 - 4 tạ hạt tươi, thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng", bà Thoả nói.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hiền, 50 tuổi, có diện tích đất trồng sen lớn nhất thôn, với 2 ha. Một tháng qua, cứ 16h chiều mỗi ngày, vợ anh Hiền ra ruộng hái đài, còn anh vác bao tải về nhà.

Việc tách hạt sen do ông Nguyễn Đình Trợ (83 tuổi, bố anh Hiền) đảm nhiệm. Khi tách phải dùng dao cứa vào đài sen, lấy từng hạt ra. Cứ 50 kg đài sen thì tách được 35 kg hạt. Trong 3 tiếng, ông Trợ tách được 40 kg.

"Đầu mùa đến nay, gia đình đã thu về hơn 5 triệu đồng tiền bán đài sen. Ước tính hết vụ có thể lãi hơn 30 triệu đồng", ông Trợ nói và cho hay, sen được thương lái đến tận nhà thu mua, hoặc đem ra chợ bán.

Hạt sen bổ dưỡng, người dân mua dùng nấu chè, nấu cháo để tăng chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vỏ đài sen sau khi tách ra được phơi khô, nấu nước uống giúp tránh đau đầu. Củ sen có thể được đào về, đem thái ra làm gỏi.

"Hầu như chúng tôi tận dụng được hết mọi thứ của cây sen, đem sử dụng có mục đích. Loại cây này sinh lợi lớn cho bà con, ai cũng thấy vui", ông Trợ chia sẻ.

Đức Hùng