Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa, huyện Tây Sơn với 36 ha canh tác là một trong những vùng trồng rau lớn của tỉnh Bình Định. Từ lâu, hợp tác xã này định hướng canh tác rau sạch theo chuẩn VietGAP. Diện tích sản xuất rau đã được chứng nhận VietGAP hiện tại là 19,05 ha, chủ yếu các loại rau ăn lá, gia vị, rau ăn quả... Ngoài VietGAP, nông dân còn sáng tạo nhiều cách để nâng cao giá trị, xây dựng nhãn hiệu rau an toàn "Lá Lành".
Năm 2023, địa bàn Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn xây dựng mô hình phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các hộ nông dân tham gia mô hình trực tiếp phân loại và xử lý rác. Riêng các loại rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp được thu gom để ủ thành phân hữu cơ và sử dụng trên vườn rau. Rác hữu cơ sau phân loại và phế phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, ủ trong các thùng chuyên dụng trong thời gian từ 45-50 ngày, sau đó lấy ra bón lót trước khi trồng rau với liều lượng 50 kg cho 500 m2 đất. Dịch rỉ thu được trong quá trình ủ được pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:50, tưới cho rau định kỳ 5-7 ngày/lần.
Kết quả thực hiện trong mô hình cho thấy rau cải xanh sinh trưởng phát triển tốt, đạt chiều cao 20-22 cm, có 10-12 lá, ít sâu bệnh hại. Thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch là 25 ngày, tương đương với sản xuất theo truyền thống. Rau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa nên sản phẩm tạo ra an toàn cho người tiêu dùng.
Theo kỹ sư Nguyễn Cường - cán bộ kỹ thuật của mô hình, việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp phát sinh tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân và kinh phí xử lý rác thải tại các hố chôn lấp tập trung. Nguồn rác thải trở thành "tài nguyên" phục vụ canh tác.
"Phân hữu cơ và dịch rỉ từ quá trình ủ có đầy đủ các chất dinh dưỡng và hệ vi sinh vật có lợi giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh và bảo vệ đất, con người. Mô hình này giúp nông dân tạo ra sản phẩm rau an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường xung quanh", vị kỹ sư khẳng định.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, hữu cơ là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp Bình Định thời gian qua. Hiện nay, diện tích rau an toàn hợp chuẩn VietGAP được chứng nhận trên toàn tỉnh là gần 115 ha, vượt chỉ tiêu ban đầu 100 ha.
Địa phương khuyến khích các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng nhiều lần hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật, liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, tập huấn để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Hoài Phương