Thứ ba, 14/1/2025
Thứ sáu, 12/11/2021, 06:00 (GMT+7)

Trồng rau trên mái ngói

Thái BìnhMất một tuần thiết kế, thi công, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lĩnh đã có hai giàn thủy canh lắp đặt trên mái ngói để trồng rau, đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình năm người.

Từ lâu, chị Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên cấp 3 cùng chồng, anh Lê Ngọc Hiền đã ấp ủ có một vườn rau xanh tại nhà nhưng vì bận rộn chưa thực hiện được. Khi Thái Bình giãn cách xã hội do dịch Covid-19, hai vợ chồng bắt tay trồng rau, vừa thư giãn, vừa chủ động nguồn thực phẩm bằng một vườn rau theo kiểu thủy canh trên mái tầng 4.

Khu vực tầng bốn chỉ có một mái hiên rộng 6m2, không thể làm vườn như thông thường, chị Lĩnh bàn với chồng làm hệ thống thủy canh, tận dụng diện tích phần mái ngói.

Đây là kỹ thuật trồng không dùng đất mà trồng trực tiếp vào giá thể xơ dừa, nguồn dinh dưỡng chuyên dùng cho rau thủy canh được hòa tan vào nước. Hệ thống bơm tưới cho cây được cài đặt tự động, không phải tưới bằng tay.

Anh Hiền là bộ đội nên quen với việc tăng gia sản xuất. Anh mua ống nhựa phi 90, khoét lỗ để đặt cây, lắp ráp lại bằng vòi dẫn và khung đỡ hệ thống, để giá trồng rau không ảnh hưởng đến mái ngói.

Ống nhựa sau khi khoét lỗ còn bọc giấy bạc chống nóng. Nước từ thùng chứa được hẹn giờ bơm lên cao rồi chảy ngược trở lại, thành một vòng khép kín. Do tính toán kỹ nên mái nhà không bị thấm nước, rau lại xanh tốt.

Vợ chồng chị Lĩnh tự làm mọi việc, lên ý tưởng, thiết kế cho đến thi công, lắp đặt và trồng cây. Tổng chi phí hơn hai triệu đồng, giảm gần nửa so với thuê ngoài.

Để trồng rau, chị thường gieo hạt riêng ở bên ngoài, khi cây lớn đến giai đoạn nhất định mới đặt vào giá rau. Sau đó, tùy theo độ lớn của rau mà bắt đầu thêm phân vào nước. Vườn có đầy đủ các loại rau xanh như: cải xanh, cải ngọt, muống, mùng tơi, hành …Vì chọn những loại rau ngắn ngày nên hơn nửa tháng có thể thu hoạch.

Chị Lĩnh tự ủ phân rác từ nhà bếp, thay vì mua sẵn. Phân bón được tận dụng từ đạm cá, đạm đậu nành và rác hữu cơ nhà bếp. Ngoài việc bảo vệ môi trường còn trở thành chất dinh dưỡng sạch cho cây. Từ ngày có vườn rau, hai vợ chồng tham gia nhiều hội nhóm trồng trọt học kinh nghiệm, áp dụng vào khu vườn.

Nếu rau sâu bệnh, chị Lĩnh bắt bằng tay và sử dụng dung dịch tự chế, xịt lên các luống rau, hiệu quả cao mà không gây hại như hóa chất bán ngoài thị trường.

Từ đó đến nay hai giàn thủy canh được vận hành luân phiên, đáp ứng đủ nhu cầu cho gia đình năm người, thi thoảng còn biếu tặng bạn bè, hàng xóm.

Ngoài vườn rau trên mái nhà tầng 4, Lĩnh còn cải tạo sân thượng 40 m2 tầng trên cùng để trồng một số rau khác như dưa chuột, húng chanh, xà lách…

Trồng thủy canh hiệu quả cao, lại không tốn thời gian, hai vợ chồng vừa tự lắp thêm một giàn thẳng đứng với 10 tháp rau, mỗi tháp cao gần 2 m, giá 4,5 triệu đồng.

“Diện tích nhỏ hẹp trồng rau thủy canh rất thích hợp, vừa được ngắm vừa được ăn rau do chính tay mình trồng”, chị Lĩnh nói.

Tham gia nhiều hội trồng rau, người phụ nữ này có thêm nhiều bạn mới. Khi giới thiệu khu vườn, chị nhận được nhiều lời hỏi thăm cũng như yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm.

Khu vườn nhỏ là nơi vợ chồng chị Lĩnh cùng gia đình lên thư giãn mỗi ngày.

Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp