Sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm 11 giống nhập từ Israel, ông Vũ Nhuần ở Phường 8, TP Đà Lạt đã chọn ra được 2 loại phúc bồn tử cho trái màu đen thích hợp với điều kiện thời tiết Đà Lạt và trồng trong môi trường nhà kính để phát triển thương phẩm.
Theo ông Nhuần, hơn 10 năm trước, cây phúc bồn tử hay còn gọi là mâm xôi đã du nhập vào Đà Lạt - Lâm Đồng từ Pháp. Giống cũ này cho quả màu đỏ và nhỏ. Diện tích cây phúc bồn tử lúc đó cũng đã phát triển được khoảng vài trăm hecta, chủ yếu trồng ngoài trời như dâu tằm. Tuy nhiên, do sản lượng thấp dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều người đã bỏ loại cây trồng này, hiện chỉ còn duy trì ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà với diện tích khoảng vài chục hecta, sản lượng khoảng 500 kg một ngày.
Giống phúc bồn tử đen mà ông Nhuần vừa đưa vào sản xuất là loại nhập khẩu từ Israel, quả to, có vị chua, ngọt nhẹ và béo, trọng lượng khoảng 80-90 quả một kg. Ông Nhuần cho biết, phúc bồn tử là một loại cây khá dễ trồng, nhưng hiệu quả ra sao phụ thuộc nhiều vào cây giống. Không ít người đã trồng thử, nhưng do không biết chọn lọc đầu vào dẫn tới cây phát triển rất tốt nhưng không cho quả, hoặc quả rất ít.
Phúc bồn tử là một loại cây lâu năm, từ khi trồng tới lúc cho thu hoạch quả khoảng 8 tháng và nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch kéo dài tới 10 năm. Diện tích vườn phúc bồn tử đen của ông Nhuần rộng 1.300 m2, đã thu hoạch được 8 tháng và hiện mỗi ngày cho 14-17 kg quả, với giá bán tươi loại một là 200.000 đồng một kg. Trái loại 2 kích cỡ nhỏ hơn, ông Nhuần để lại ủ lên men lấy nước cốt bán với giá 500.000 đồng một lít.
Hiện tại, từ nguồn giống phúc bồn tử đen của ông Nhuần, 15 hộ ở Đà Lạt và Lạc Dương đã canh tác với diện tích hơn 2 hecta. Ông Nguyễn Văn Chương tại làng hoa Hà Đông cho biết sau khi được ông Nhuần cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật đã chuyển 500 m2 nhà kính vốn trước đây trồng hoa cúc sang trồng loại cây mới này. Chi phí đầu tư ban đầu khá cao vì một cây giống có giá 80.000 đồng, nhưng bù lại mật độ trồng thưa, chiều rộng luống là 1,5 mét và trồng chỉ một hàng, khoảng cách cây từ 1,5 đến 1,7 mét. Ngoài ra phúc bồn tử cho trái liên tục.
Theo ông Vũ Nhuần, xét về hiệu quả kinh tế, so với cây dâu tây, công chăm sóc phúc bồn tử đen nhẹ hơn, sản lượng khá cao và đều, giá bán gần như tương đương với những loại dâu tây giống mới. Về đầu ra lâu dài, ông Nhuần tự tin không đáng ngại vì người trồng có thể trực tiếp làm ra một số sản phẩm từ phúc bồn tử như sấy khô, ủ lấy nước cốt..., chứ không hoàn toàn phụ thuộc tiêu thụ trái tươi. Thị trường lâu dài mà những nhà vườn như ông Nhuần nhắm tới vẫn là tiêu thụ nội địa, vì muốn xuất khẩu phải có số lượng lớn và đòi hỏi nguồn giống có bản quyền.
Hiện 15 hộ gia đình trồng phúc bồn tử đen ở Đà Lạt đều có kênh tiêu thụ giống nhau và đồng nhất về giá bán. So với hàng xách tay giá trên dưới 1,2 triệu đồng một kg, giá bán phúc bồn tử của các hộ trồng trong nước đang rất cạnh tranh.
Quốc Dũng