Thứ sáu, 27/12/2024
Thứ tư, 14/8/2024, 00:00 (GMT+7)

Trồng ớt A Riêu đặc sản

Quảng NamỚt A Riêu do chim chào mào ăn, phát tán hạt khắp núi rừng, được đồng bào Cơ Tu đưa về ươm trồng trên nương rẫy.

Ớt A Riêu được trồng sát bìa rừng xã Mà Cooih, huyện Đông Giang. Trong tiếng Cơ Tu, A Riêu là chim chào mào. Loại ớt này mọc trong rừng, khi chín được chim chào mào ăn, sau đó thải phân và hạt ớt. Cây ớt phát triển mạnh ở bìa rừng hoặc nương rẫy, nơi cây cối thưa thớt.

Từ năm 2016, loại ớt tự nhiên này trở thành đặc sản bởi vị cay, thơm và giòn. Khi ớt ngoài tự nhiên cạn kiệt, người dân bắt đầu ươm giống trồng.

Ông Ating Banh, 44 tuổi, cùng con gái rời nhà gần 10 km mang theo gùi, giỏ đến rẫy hái ớt. Năm 2022, ông chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất trồng ngô sang ớt, bình quân mỗi năm thu gần 20 triệu đồng. So với cây ngô, ớt cho thu nhập gấp 10 lần vì không phải tốn công đầu tư.

Ớt A Riêu ở vùng đất xã Mà Cooih dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Tháng 4 hàng năm, sau khi ươm thành cây con, người dân trồng trên nương rẫy. Sau hai tháng, cây cho quả. Mỗi năm, ớt thu hoạch bốn đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Bình quân mỗi cây đạt năng suất từ 300 gram mỗi vụ, đến mùa mưa cây trụi lá hoặc chết.

Ating Thị Hạ Lan, 11 tuổi, tranh thủ ngày hè lên nương giúp bố hái ớt. Mỗi ngày, Lan hái được một kg.

Ớt trồng trên nương rẫy mật độ một m2/cây xen lẫn với nhiều loại cây khác. Xã Mà Cooih chủ yếu đất núi đá vôi, sau khi trồng người dân chỉ làm cỏ, không bón phân, phun thuốc.

Khi cây ớt già, quả chín đỏ, ông Banh hái mang về làm giống cho vụ sau. "Thương lái chỉ thu mua quả xanh. Vì quả chín đỏ khi muối bị đen, ăn không thơm, giòn", ông giải thích.

Người dân thu hoạch ớt bán cho hợp tác xã nông lâm nghiệp Mà Cooih giá 200.000 đồng/kg.

Chị Arất Thị Ý, thành viên hợp tác xã đổ ớt ra chế biến. Ớt được nhặt bỏ lá, quả chín, sau đó rửa sạch để ráo nước và cho vào hũ muối.

Mỗi lọ ớt muối A Riêu được trộn với tỷ lệ 85% ớt, 15% muối, sau đó cho vào ủ. Ớt sẽ giữ được màu xanh trong 6 tháng.

Ông Alăng Diên, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Mà Cooih, phơi ớt khô để làm ớt bột. Sắp tới hợp tác xã sẽ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

"Đây là cây đặc sản phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở xã Mà Cooih. Có người mang giống đi trồng nơi khác, cây phát triển bình thường nhưng trái ớt to hơn, màu trắng, không còn độ cay, hương thơm đặc trưng", ông nói.

Để có nguồn hàng, năm nay hợp tác cung cấp 10.000 cây giống miễn phí cho 10 hộ dân trồng.

Ớt A Riêu chế biến thành nhiều sản phẩm gồm ớt muối, ớt muối măng chua, ớt bột... Ông Arất Bói, Chủ tịch xã Mà Cooih, cho biết toàn xã có 640 hộ dân, trong đó 247 hộ nghèo, đều trồng ớt.

"Trước đây, nguồn thu nhập chính của đồng bào Cơ Tu từ cây sắn, ngô, chuối, gỗ keo..., giờ có thêm ớt A Rriêu giúp nhiều hộ xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm ớt muối A Riêu đạt OCOP bốn sao cấp tỉnh", ông nói. Mỗi năm huyện hỗ trợ xã 200 triệu đồng mua cây giống cung cấp cho người dân trồng.

Trồng ớt chim ăn thành đặc sản
 
 

Thu hoạch và chế biến ớt A Riêu muối. Video: Đắc Thành

Đắc Thành