Tây Bắc núi cao đèo sâu từ lâu đã trở thành “cung đường ma túy”. Khoảng 30% lượng heroin cho các con nghiện trên toàn quốc được vận chuyển qua đây. Trên cung đường ấy, có những “ốc đảo” ma túy khét tiếng như Hang Kia, Pà Co, Lóng Luông, Lóng Sập, Na Ư tồn tại hàng chục năm qua.
Tôi đứng trước bản Na Ư, nằm trong thung lũng với những mái nhà sàn mờ ảo trong làn khói đốt nương, tự hỏi vì sao sau vẻ thanh bình ấy lại là sự thật khủng khiếp về tụ điểm ma túy này.
Ma túy từ Tam giác vàng theo đường ngắn nhất là qua Phông-xa-lỳ đến cửa khẩu Tây Trang. Đoạn đường chừng 30 km từ cửa khẩu Tây Trang về thành phố Điện Biên được mệnh danh là “con đường vàng” của bọn buôn bán hàng trắng. Na Ư nằm trên con đường vàng đó. Trong khoảng 500 dân của bản, số người nghiện hút, buôn bán và làm cửu vạn vận chuyển ma túy thuê lên đến hàng trăm, hầu như nhà nào cũng liên quan đến ma túy. Có gia đình như nhà ông Vừa Giả Tría ở bản Ca Hâu, có bốn con thì ba đứa đi tù, một đứa đã bị tử hình, hai cô con dâu đi tù tiếp để lại bảy đưa cháu nhỏ cho ông bà già. Tôi cũng nhìn thấy một người phụ nữ nghiện hút lên cơn vật thuốc ở đây. Chị vừa kìm cơn co giật, vừa ôm chặt cho đứa con bú sữa. Chẳng biết trong bầu sữa mẹ có lẫn chất ma túy hay không, nhưng cả gia đình này, chồng và hai con trai đã đều chết vì nghiện hút.
Quá đủ những bi kịch từ hàng trắng ở Na Ư, và quá nhiều đường dây ma túy bị triệt phá kể từ sau vụ án Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, nhưng ma túy từ con đường vàng này tuy có giảm nhưng vẫn nhộn nhịp một cách ngấm ngầm. Trên cung đường đó, cảnh sát giao thông liên tục bắt được ma túy trong nhiều năm. Như đã thành phản xạ, sau khi yêu cầu ô tô hay xe máy dừng lại để kiểm tra giấy tờ, cảnh sát giao thông lại kiểm tra ma túy.
Ma túy được ngụy trang đủ kiểu: trong bình xăng được hàn lại, trong lốp ô tô, trong đệm mút, thậm chí trong hậu môn của người… Ma túy không những chỉ được vận chuyển bằng các phương tiện giao thông mà còn qua đường rừng, đường tiểu ngạch.
Giống như sào huyệt Lóng Luông của trùm ma túy vừa bị tiêu diệt, các ốc đảo này trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chỉ cần nhận thấy người lạ, những kẻ buôn ma túy sẵn sàng xả súng.
Năm ấy, trên con đường từ của khẩu Tây Trang tới Na Ư, chúng tôi đã dừng lại thắp hương bên mộ liệt sĩ liệt sĩ Phạm Văn Cường - chiến sĩ của phòng PC 47 Công an tỉnh Điện Biên. Anh đã vào trận để câu nhử bọn buôn ma túy thì bị chúng phục kích xả súng. Không riêng mình anh, máu đã đổ trên nhiều cung đường Tây Bắc và nhiều chiến sĩ công an đã hy sinh ở những ốc đảo ma túy như Lóng Luông, Lóng Sập, Hang Kia…
Máu đổ, chưa đủ để ngăn ma túy theo cách nào đó vẫn chảy về xuôi, gieo rắc biết bao bi kịch dưới các mái nhà. Nằm trên cung đường ma túy, thời điểm 2007, tỉnh Sơn La đứng đầu cả nước về số người nghiện hút trên tổng số dân. Chỉ tính riêng số tiền những con nghiện mua ma túy để sử dụng, mỗi năm Sơn La mất đi ngót nghét 500 tỷ đồng, lớn hơn tiền thu ngân sách toàn tỉnh. Tôi từng đón nhận đơn kêu cứu của người dân Thành phố Sơn La gửi đến tòa soạn báo. Rồi, theo đơn đó, tôi lên Sơn La, bàng hoàng vì có những phường, nơi người dân cầu trời khấn phật hàng ngày, chỉ cần con em họ không dính vào nghiện hút là một điều may mắn. Nghĩa trang Sơn La đầy những vòng hoa trắng của người chết trẻ vì nghiện hút.
Nhưng cũng ở mảnh đất Sơn La ấy, tôi từng viết những câu chuyện khác: chuyện người dân đẩy lùi cây thuốc phiện.
Đó là chuyện của xã Vân Hồ, vốn có truyền thống trồng cây thuốc phiện. Nhưng kể từ khi xuất hiện cây mận tam hoa - thứ cây giúp xóa đói giảm nghèo, hoa mận trắng đã đẩy lùi hoa anh túc. Và câu hỏi bây giờ là: làm sao để xóa sổ những “ốc đảo” ma túy theo cách hoa mận trắng đẩy lùi hoa anh túc?
Mang xe bọc thép, súng ống để trừng trị những tên trùm ma túy là việc tất nhiên cảnh sát phải làm. Nhưng khi xe bọc thép rút đi, liệu có những tên trùm khác xuất hiện? Mười năm trước, đến Na Ư, hay nhiều điểm nóng ma túy khác, cảm giác nơi đây như một pháo đài, dân lạnh nhạt, hỏi ai câu gì chúng tôi cũng được trả lời “chi bâu” - tiếng Mông là “không biết”. Nhưng các anh công an bảo, phần lớn họ đều có dây mơ rễ má với bọn buôn ma túy. Và họ hầu hết đều cho rằng buôn ma túy chẳng có tội trạng gì ghê gớm mà dễ kiếm tiền, trong khi sinh kế đang ngày càng khó khăn. Thậm chí có thời điểm ở Lóng Luông, đối tượng ma túy huy động được cả bà con dân bản dùng gạch đá tấn công công an.
Có lẽ những ốc đảo ma túy như Lóng Luông chỉ thực sự bị xóa sổ khi nhận thức về ma túy của người dân thay đổi. Khi họ ghê sợ, căm ghét ma túy như một thứ tàn phá những bản làng bình yên và chủ động loại bỏ nó thay vì chỉ “chi bâu”.
Và Lóng Luông cần hoa mận trắng nở và sau khi xe bọc thép rút đi, điểm nóng ma túy này cần những chuyến xe buôn, xe văn hóa phẩm, hay xe tuyên truyền pháp luật…
Sau mười năm, đường từ Tây Trang xuống Hà Nội đã được mở rộng, to đẹp hơn, theo đó, nếu ma túy từ Tam giác vàng nếu được vận chuyển trót lọt sẽ về tới thủ đô nhanh hơn. Tôi vừa đọc được tin, các trại cai nghiện trên cả nước đang xuống cấp nghiêm trọng, quá tải. Con nghiện mới gia tăng nhanh chóng còn vì nguyên nhân giá cho một liều ma túy rẻ hơn trước rất nhiều.
Trong khi giá nhiều loại hàng hóa đang tăng lên, thì giá ma túy lại đang trở nên rẻ hơn. Nghịch lý ấy, hàm chứa một ẩn dụ về đời sống của đồng bào.
Phùng Nguyên