Ngồi ở ghế đá, dưới bóng cây đại tôi bất giác, bần thần, mắt đăm đăm không dời khỏi trang sách đang dở. Cuộc điện thoại trôi qua kéo tôi theo một dòng suy nghĩ mông lung, những dòng chữ xoáy trong đầu về một miền ký ức xa xăm.
![img-20150123-103851-1423337540-9858-1423](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/11/img-20150123-103851-1423337540-9858-1423631282.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mDFbfTd6XoFu12CbWCOh_A)
Âm thanh vẫn thứ âm thanh ấy, xa vọng lại:
- Cha, mai cuối tuần, chắc mẹ về rồi nhỉ ?
- Ừ! Con thử gọi mẹ xem, con gái đâu lớn rồi…
Cha cười hiền hậu. Đầu dây bên kia thoáng âm thanh quen thuộc:
- Alô, mẹ nghe rồi.
- Mẹ ạ, mai cuối tuần rồi…”.Chưa kịp dứt lời, mẹ hiểu ngay ý tôi.
- Ừ, mai mẹ về, hai cha con ăn cơm chưa?
- Dạ rồi, mẹ với chị ăn chưa? Cu có quậy mẹ không?
- Cả nhà ăn rồi, thằng bé nghịch lắm, nghịch giống con hồi bé. Mẹ cười, tiếng cười ấm áp mà mỗi khi nghe thấy, lòng tôi hạnh phúc biết bao nhiêu.
- Hì hì, mẹ về mẹ gọi nha mẹ.
- Ừ, ngủ trưa đi con, rồi thứ 6 mẹ về hây.
- Dạ, mẹ nha.
Rồi thứ 6 cũng tới. Ngày nhạt nhòa ấy, hết đứng lên rồi lại ngồi xuống, nghĩ vu vơ một thứ tâm trang hỗn độn. Chiều về, lòng tôi se lại vì một nỗi lo sợ mơ hồ. Không rõ sợ gì, chỉ là cảm giác bất an, linh cảm có điều không hay sắp xảy đến với mình. Nhưng sao chưa bao giờ tôi nghĩ tới mẹ, lo cho mẹ. Loay hoay, chuẩn bị một bữa cơm chiều muộn, hái được dăm ba lá lốt trong tay, bỗng điện thoại reo, tôi giật mình thót dạ: “Mẹ, mẹ bị ngã xe bus rồi em,em bình tĩnh nhé, alô, alô…”.
Những chiếc lá lốt rơi khỏi tay con bất giác, con không kịp ý thức giữ, có phải như thể con không bao giờ có thể giữ mẹ bên con kể từ thời điểm ấy? Nắm lấy bàn tay mà con đã cầu xin thượng đế đừng cướp mất nhưng rồi con chưa kịp nắm…
Mẹ ơi! bao nhiêu lần thứ 6 nữa trôi qua con sẽ đợi được mẹ về đây hả mẹ? Bao nhiêu thứ 6 cho đong đầy nỗi nhớ, cho vơi đi nỗi đau, cho cạn đi những giọt nước mắt…? Bao nhiêu thứ 6 cho sự vật đổi thay, cho tóc cha bạc trắng, là bao nhiêu? Xa xôi một chút hay là mãi mãi? Những câu hỏi cứ dồn dập trong đầu con về một lời hứa năm đó. Những giọt nước mắt thấm ướt trang sách, nhòe đi dòng chữ, có lẽ con nên trở về với thực tại.
![img-20140712-162627-1423337381-6940-1423](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/11/img-20140712-162627-1423337381-6940-1423631282.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=w0h75g4mODHAaXIuaKlC7A)
Thứ 6 đấy mẹ tôi đã không về… năm đó, trong đêm hè tối mịt, một chiếc ô tô rẽ vào nhà tôi, khi cánh cửa phía sau xe vừa mở là lúc tôi chạy tới. Khoảnh khắc ấy tôi sững lại khi thấy mẹ nằm đó bất động, lạnh toát và bầm tím, dù cho tôi cố ra sức gọi, cố ngăn mình những dòng nước mắt để cười thì mẹ cũng không đáp lại. Mẹ tôi đã ra đi như thế, mang cả nụ cười ấy đi xa mãi. Rồi 30 chiều nào, cha vẫn đứng đó, rất lâu, dưới chân mộ, trong làn mưa trắng khói nhang bay đợi mẹ về đón Tết. Những Tết có mẹ giòn giã tiếng cười, đong đầy hạnh phúc giờ cũng chỉ còn lại trong hoài niệm.
Đừng đặt yêu thương bên lề cuộc sống!
Hà Nội hối hả cuốn người ta vào những lo toan, bận rộn của cuộc sống thường nhật. Đôi khi được quan tâm với ai đó đã trở thành lẽ đương nhiên, là nỗi muộn phiền khiến người ta phát cáu lên. Người ba ấy sợ con mình quên ô dầm mưa mà bị ốm, là một ngày thường như mọi ngày, mong bữa cơm có ba và con, có cả gia đình. Liệu ai đó biết chăng, quanh ta vẫn có những người luôn khao khát cái được gọi là lẽ đương nhiên ấy đến nhường nào. Như tôi, đôi khi ấm áp là được nhìn thấy, được lắng nghe giọng nói từng đỗi thân quen.
Ba năm xa nhà, hơn ai hết tôi mong chờ Tết để đoàn tụ với gia đình. Dù biết Tết đã không thể trọn vẹn yêu thương như những lần tôi thầm ao ước.
Nếu không có tai nạn trên đường về năm đó, nếu không có đau thương ấy, có lẽ chăng một lúc nào đó, tôi cũng như cô gái kia phũ phàng với những người yêu thương mình? Năm tháng vội vã, đừng để mất đi mới biết yêu thương, trân trọng lúc đấy muộn màng rồi.
Hà Nội chiều cuối năm se lạnh, gió lùa, nghĩ về mẹ lòng tôi chùng lại, nỗi nhớ nhà quặn thắt…
Lê Thị Nguyệt
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |