RIA Novosti đưa tin thử nghiệm diễn ra ở vùng Krasnodar ở phía nam nước Nga. Các nhà khoa học gắn thiết bị phóng tia laser trên các máy kéo. Khi máy kéo di chuyển trên cánh đồng, chùm tia laser có thể lan rộng trong phạm vi tới 400 m. Laser làm tăng khả năng của hệ miễn dịch và độ vững chắc của bộ rễ, nhờ đó tăng cường khả năng kháng bệnh của cây.
Trong vòng một giờ, chùm tia laser có thể tác động tới một khu vực có diện tích tới 100 ha - một tốc độ khiến các nhà nông học hài lòng. Kết quả cho thấy, nhờ tác động của tia laser, những bông lúa mỳ đầu tiên xuất hiện sớm hơn 10 ngày so với phương pháp canh tác truyền thống. Hệ thống rễ khỏe hơn và cây phát triển nhanh hơn.
Anton Didenko, một nhà nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật Nga, khẳng định rằng công nghệ laser sẽ giúp nông dân loại bỏ hoàn toàn hóa chất trong quá trình canh tác. Ông cùng các đồng nghiệp đang chờ lúa mỳ chín để thu hoạch. Họ hy vọng năng suất lúa mỳ sẽ tăng vọt.
Chim thường chết sau khi nông dân phun thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ trên cánh đồng. Do không sử dụng hóa chất, kỹ thuật canh tác bằng tia laser hoàn toàn vô hại đối với cả chim và người. Người ta có thể sử dụng chúng đối với cả cây lương thực lẫn hoa màu. Nếu sử dụng tia laser để xử lý hạt và mầm, có thể hiệu quả sẽ cao hơn.
Minh Long