Thông tin này, chưa cần được xác nhận từ Bộ Y tế, đã tác động rất lớn đến xã hội. Tôi lại chứng kiến một hàng dài những người ôm thùng mì đứng chờ thanh toán với vẻ lo lắng.
Có thể tạm coi một làn sóng mới trong chống dịch Covid-19 lại đến, sau khi Việt Nam thành công trong làn sóng thứ nhất khi chưa có người chết vì Covid-19, giữ được gần 100 ngày không có người lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng chỉ cần có một ca dương tính là mọi chu trình từ tích cực đến tiêu cực có vẻ lặp lại y nguyên giai đoạn cũ.
Trong hoàn cảnh đó, một người bạn ở nước ngoài nhắn tin hỏi tôi về những bài học thành công của Việt Nam trong việc dập dịch Covid-19? Một câu hỏi rất khó có câu trả lời chính xác.
Trang thông tin Marzahn-hellersdorf ở Berlin đã đăng tải một bài viết, trong đó cũng giải mã câu chuyện chống dịch thành công của Việt Nam với 3 yếu tố then chốt: Hành động sớm, truy dấu tiếp xúc và công tác tuyên truyền.
Còn theo Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, tốc độ phản ứng của Việt Nam là yếu tố chính dẫn đến thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tôi thì cho rằng có 5 bài học từ làn sóng dịch bệnh thứ nhất: Ba nên và hai đặc biệt không nên.
Một trong những bài học về sự thành công trong việc dập dịch Covid-19 giai đoạn một (sáu tháng đầu năm) là sự tham gia của tất cả các cơ quan hay nói một cách chính quy là "sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội". Dịch Covid-19 được coi như một quốc nạn và câu nói "chống dịch như chống giặc" trở thành slogan của chiến dịch. Trong lịch sử, có lẽ chưa bao giờ, để đối phó với một dịch bệnh mà cấp hành chính cao nhất phải "ra tay" liên tục. Ngày nào cũng có một cuộc họp ở cấp Trung ương: Hôm thì Thường trực Chính phủ họp, hôm thì Ban chỉ đạo quốc gia. Những quyết sách liên bộ, ảnh hưởng tới nhiều địa phương được bàn và quyết ngay chứ không còn loanh quanh theo con đường hành chính thứ bậc.
Bài học thành công tiếp theo là sự ủng hộ của người dân. Bạn tôi kể, ở nơi anh ở, rất nhiều người dân đã tự nguyện tham gia "trông chừng" những người phải cách ly tại nhà. Có cậu thanh niên, cuồng chân sau vài ngày cách ly đã định lẻn ra ngoài thì gặp mấy người hàng xóm đang uống trà trước cửa. "Thôi vào nhà đi cháu", một cựu chiến binh tay cầm điếu cày hút dở đề nghị với giọng kiên quyết.
Tổ dân phố cắt cử người đi chợ, mua đồ hộ những gia đình phải cách ly. Sáng sáng, ăn gì, mua gì thì order qua tin nhắn cho đại diện tổ dân phố. Thức ăn, đồ dùng được đưa đến cửa nhà người bị cách ly. Người trong nhà chờ một lát rồi ra lấy vào.
Thời đó, từng xã, từng phường, từng khu chung cư đều trở thành mặt trận. Các đoàn thể, tổ dân phố tự lập ra các "trạm kiểm soát". Như khu chung cư của tôi thì người ra, người vào đều được ghi sổ. Nếu là người lạ thì phải trình CMND, nói rõ đến nhà ai. Trong thời gian giãn cách (tháng 4/2020) thì việc người lạ lọt vào thang máy là điều không thể.
Còn tại nhiều vùng nông thôn, ngay từ đầu mùa dịch, làng, xã đã đặt ra những vọng gác với yêu cầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Nên anh bạn tôi muốn nhận đồ từ quê phải qua 3 chặng: Từ nhà ra cổng làng. Từ cổng làng đến đầu tỉnh. Và từ đầu tỉnh lên Hà Nội.
Sự ủng hộ của người dân còn thông qua việc ủng hộ cho công tác phòng chống dịch, Ở Trung ương và địa phương, tổng số tiền hệ thống Mặt trận tiếp nhận ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là gần 2.000 tỷ đồng.
Bài học nữa là sự tự giác của người dân. Trong suốt đợt dịch, nhất là khi có lệnh giãn cách xã hội, phần lớn người dân chấp hành, không ra khỏi nơi cư trú. Ở yên tại chỗ, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người trở thành khẩu quyết suốt những ngày "giãn cách xã hội" nói riêng và thời gian dịch bệnh. Chính tôi trong suốt những ngày giãn cách không bước ra khỏi khu chung cư dù với chiếc thẻ nhà báo tôi có thể dễ dàng đi lại.
Có người bạn tôi còn bỏ tiền mua nhiều thùng khẩu trang y tế để phát cho đồng nghiệp, hàng xóm. Ai vào phòng làm việc của anh này mà không đeo khẩu trang thì được phát một chiếc, xong mới làm gì thì làm.
Nhưng trong thời kỳ cũng có những điều chúng ta làm chưa tốt. Có những bài học rất cần được học để không nên lặp lại.
Đầu tiên là tin giả (fake news). Ngay những ngày đầu tiên có các ca nhiễm nCoV, trên nhiều trang mạng cá nhân đã lan truyền những thông tin thất thiệt về số ca dương tính, các khu phố bị phong tỏa, cách ly vì nghi có người nhiễm bệnh; thậm chí nhiều tài khoản facebook còn lan truyền các trường hợp tử vong do nhiễm nCoV với nhận định, chính phủ Việt Nam giấu dịch.
Mà fake news không chỉ tác động đến những người ít hiểu biết. Thông tin dịch bệnh bùng phát, hàng hóa khan hiếm đã khiến nhiều người Hà Nội đổ xô ra siêu thị mua mì tôm vào đêm 6, sáng 7/3 sau khi công bố bệnh nhân số 17.
Điều thứ hai, là bản thân mỗi người dân – dù chung tay chống dịch – cũng vẫn còn dấu hiệu chủ quan và thiếu kế hoạch. Hai điểm yếu sắp trở thành "thương hiệu" người Việt Nam là nhanh quên và chủ quan. Làn sóng thứ nhất chưa qua thì nhiều người đã quên cách phòng dịch. Quán bia hơi lại đông nghẹt người. Và cảnh hành khách cãi nhau với tiếp viên vì chuyện bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay liên tục "lên sóng". Còn anh bạn tôi, tối qua tìm không ra một cái khẩu trang nào. Anh này đã "chỉ đạo" vợ bỏ hết khẩu trang vì mấy chục ngày có ca lây nhiễm nào đâu. Cuống cuồng hỏi mua thì mỗi hộp khẩu trang đã lên vài giá.
Vậy nếu làn sóng thứ 2 qua đi thì tinh thần cảnh giác nên ở lại. Cảnh giác, hiểu biết để không bị động cũng như bị gian thương ép giá.Những điều tôi kể trên có lẽ không xa lạ với phần lớn độc giả. Có thể bạn sẽ nói, biết rồi, khổ lắm nói mãi.
Và tất nhiên, cũng có thể còn những bài học khác mà tôi đã bỏ qua (vì có thể chính tôi cũng là một người Việt Nam chủ quan và hay quên). Độc giả của VnExpress có thể nhắc nhớ lại điều tôi đã quên trong phần bình luận ở dưới bài viết này, theo đúng tinh thần của "bài học tốt" từ làn sóng thứ nhất: mỗi người dân là chiến binh chống dịch ở cấp độ quốc gia, chứ không chỉ trong gia đình hay tổ dân phố.
Trần Anh Tú