![]() |
Diễn viên Trọng Hải. |
Chạm ngõ làng điện ảnh từ một vai nhỏ trong Ván bài lật ngửa vào năm 1982, Trọng Hải ngày càng khẳng định được khả năng diễn xuất qua từng thước phim trong Đường đi, Chiếc mũ giấy, Những nẻo đường phù sa, Cầu thang tối, Chuyện quê tôi...
Trong bộ phim truyện nhựa Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn VN với Hãng phim Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), Trọng Hải được tín nhiệm vào vai nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Ngày 20/11/2002 Trọng Hải cùng Hoàng Phúc (vai Lê Duy Điếm, cận vệ của Nguyễn Ái Quốc) từ TP HCM bay ra Hà Nội, sau đó bay đến Quảng Châu, rồi lang thang gần hai tháng khắp Khai Bình, Nam Hải, đảo Hải Nam, Quảng Châu. Trời lạnh 2-3 độ C, mỗi lần diễn viên Việt Nam thu hình xong thì lập tức trợ lý phục trang phải chạy đến trùm hàng loạt áo, khăn để không bị cóng. Say mê với nghề, lao động nghệ thuật nghiêm túc, Trọng Hải cũng đồng thời là người luôn chịu khó học hỏi đồng nghiệp và thế hệ đi trước. Anh tâm sự: "Khi bước vào đoàn phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, tôi bị cuốn hút, muốn được làm việc ngay. Diễn viên nước bạn rất chuyên nghiệp, từ giờ giấc, lên danh sách công việc cho từng khâu, chính xác và khoa học. Không khí răm rắp như thế buộc mình cũng phải nghiêm túc. Còn cái lần vào vai nhạc sĩ Duy trong Đồng tiền xương máu, NSND Lâm Tới nói "em diễn có hồn". Từ trước đến nay, tôi luôn coi NSND Lâm Tới là bậc thày. Bởi vậy, tôi xem lời nói ấy như giấy chứng nhận nghề nghiệp vô hình mà rất đáng giá".
Trọng Hải cũng rất thích đăng đàn diễn thuyết về thực trạng điện ảnh. Anh không ngại lên tiếng cảnh báo về tình trạng cắt xén thù lao, thiếu tôn trọng nghề nghiệp với nhau, nguy cơ nghiệp dư hóa trong quy trình làm phim... Nhiều người bảo anh là "kêu cứu giữa sa mạc" thì Trọng Hải vặn lại: "Thà có tiếng vọng, trong sa mạc vẫn có sự sống, còn hơn ngồi im chết dí".
(Theo Phụ Nữ TP HCM)