Ngày đầu tháng 5, vùng nguyên liệu trồng gừng rộng 16 ha nằm trên dãy núi Ngọc Linh có hàng chục hộ dân thôn Kon Trai đang cày xới, lên luống, chuẩn bị xuống giống. Những hộ đã trồng trước đó bón phân, làm cỏ. Gừng cho thu hoạch sau 8 tháng chăm sóc.
Năm nay, ông A Lê (54 tuổi) cùng tổ hợp tác tại thôn Kon Trai trồng 6 ha gừng trong vùng nguyên liệu. Phân giống, kỹ thuật đều được chính quyền xã, hợp tác xã hỗ trợ, người dân chỉ bỏ công sức. Họ phân công, thay phiên nhau chăm sóc, bón phân cho cây trồng đến khi thu hoạch.
Năm ngoái, gia đình ông cũng tham gia trồng 6 ha gừng, được thu mua giá trên 7.000 đồng, mỗi hộ thu nhập hàng chục triệu đồng. "Trước đây chủ yếu phụ thuộc vào cây mì, đời sống rất bấp bênh. Khi tham gia mô hình trồng gừng, kinh tế gia đình được nâng cao", ông Lê nói.
Ông Hà Văn Phương, Giám đốc Hợp tác xã nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông, cho biết cuối năm 2021, sau khi khảo sát thấy xã Đăk Na rất phù hợp để phát triển thành vùng nguyên liệu gừng xuất khẩu sang châu Âu (Đức, Áo, Bỉ...), hợp tác xã vận động được 15 hộ dân phát triển vùng trồng 3 ha gừng, nghệ.
Các hộ dân được UBND xã Đăk Na hỗ trợ cây giống; hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật và thu mua cho người dân với giá 7.000-10.000 đồng một kg. Nếu được chăm sóc tốt, trung bình một ha gừng đạt 12-15 tấn, lợi nhuận khoảng hơn 100 triệu đồng. Qua 3 năm triển khai, đến nay có 37 hộ tham gia trồng gừng, 5 hộ trồng nghệ, mô hình trồng gừng mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn so với trồng lúa, mì.
Theo ông Phương, vùng nguyên liệu sản xuất gừng xuất khẩu sang châu Âu nên quy trình trồng, chăm sóc đều theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nghiêm ngặt, không có hoặc dưới mức cho phép 1.176 chất cấm trong danh mục. Phân bón, thuốc trừ sâu bệnh đều bằng sinh học. Đặc biệt, củ gừng xuất khẩu đều có thông tin nhật ký trên App về quy trình trồng, chăm sóc.
"Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 100 ha gừng, nghệ và tỏi trong 3 năm tới, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, phục vụ chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài", ông Phương nói.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói đây là mô hình mới với bà con đồng bào Xơ Đăng. Cây gừng không đòi hỏi kỹ thuật cao và trồng theo hướng hữu cơ, nên rất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào Xơ Đăng.
Trần Hóa