Trống Tiên Nội I mới được công nhận bảo vật quốc gia, hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Đây là hiện vật độc đáo nhất nằm trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của bảo tàng.
Tháng 12/1988, trống đồng Tiên Nội I được ông Đinh Văn Nhân, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tìm thấy trong quá trình đào đất ở độ sâu 1,5 m trên cánh đồng Cầu Đất. Nơi đây vốn là vùng đất cổ, từng phát hiện nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn như mộ thuyền, thạp, rìu, giáo, trống.
Từ lúc phát hiện và đưa về bảo quản tại Bảo tàng Hà Nam đến nay, trống Tiên Nội 1 vẫn trong tình trạng rất tốt, dù được làm từ khoảng thế kỷ 4 đến 3 trước công nguyên. Hiện vật cao 53 cm, đường kính đáy 69 cm, đường kính mặt 68,2 cm, gồm mặt và thân trống. Thân trống gồm tang, quai, lưng và chân.
Giống như phần lớn trống đồng Đông Sơn, trống Tiên Nội 1 trang trí hoa văn kỷ hà (hình tam giác, chữ V, hình tròn tiếp tuyến, đường tròn đồng tâm, đoạn thẳng song song, chéo nhau) và tả thực (hình động vật và con người). Tuy nhiên, theo Cục Di sản văn hóa, phong cách trang trí chim lạc và cá ở vành hoa văn số 7 trên mặt trống chưa từng ghi nhận ở trống Đông Sơn nào công bố trước đó.
Các nhà khảo cổ học suy đoán chim là biểu tượng cho dương, còn cá biểu tượng cho âm. Ở một góc độ nào đó, 6 cặp chim lạc - cá cũng có thể liên tưởng về sự chuyển vận thời gian trong một năm, cũng như ý niệm về hệ số đếm toán học xa xưa. Hoa văn đoạn thẳng song song, vòng tròn đồng tâm gợi liên tưởng nhận thức sơ khai về vũ trụ của người Việt cổ.
Băng số 5 ở tang trống được trang trí chim bồ nông cũng gần như chưa bao giờ bắt gặp trên tang trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra, hoa văn tả thực hình người hóa trang cầm rìu xéo gót vuông và giáo ở vành số 1 trên thân trống cũng hiếm khi được tìm thấy trên các trống cùng loại.
Trống Tiên Nội I không chỉ có chức năng nhạc khí mà còn biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo. Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội và trong chiến trận chống giặc ngoại xâm.
Việc phát hiện trống Tiên Nội I và các trống đồng Đông Sơn khác ở Hà Nam đã phần nào phản ánh thực tế cư dân Đông Sơn từng bước chiếm lĩnh, làm chủ đồng bằng. Họ đã rất am hiểu về kỹ thuật đúc đồng, đạt đỉnh cao trong nghệ thuật tạo hình, trang trí trống.
Theo Cục Di sản văn hóa, trống Tiên Nội I cùng với trống Ngọc Lũ (bảo vật quốc gia), mộ thuyền Yên Từ, Yên Bắc đã tạo nên trung tâm Đông Sơn thịnh vượng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Bắc Bộ Việt Nam, tô đậm truyền thống văn hóa sông Hồng, văn minh Văn Lang, Âu Lạc mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn.
Cho đến nay, Việt Nam đã phát hiện và công bố hàng trăm trống đồng thuộc về nền văn hóa Đông Sơn. Hà Nam là một trong những tỉnh phát hiện, bảo quản nhiều trống đồng Đông Sơn nhất với 21 chiếc, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ.
Việt An