Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cẩm Lệ được thành phố giao UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư cuối năm 2019, tổng vốn 250 tỷ đồng, diện tích đất hơn 29 hecta. Đến tháng 6/2023, dự án cơ bản hoàn thành các hạng mục giao thông, san nền, cây xanh, cấp thoát nước...
Đây là dự án trọng điểm của thành phố. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra thực địa mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã phê bình chủ đầu tư dự án khi thấy nhiều cây bạch đàn mới được trồng quá nhỏ, cao ngang gối ở khu vực trạm xử lý nước thải.

Nhiều cây bạch đàn có kích thước nhỏ được trồng tại dự án cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Ảnh: Ngọc Trung
"Nếu bạch đàn không có thì không thể nói là không có cây khác thay thế", ông Quảng nói.
Tại vệt cách ly cụm công nghiệp với khu dân cư cũng có nhiều cây kích thước nhỏ, mục đích tạo vành đai xanh giảm tiếng ồn, khói bụi và chống sạt lở. Ông Quảng nói trồng cây để chống trôi bùn đất như vậy thì "đến đời con cháu mới lên".
Lý giải việc trồng cây bạch đàn tại dự án, ông Nguyễn Hải Đường, Phó chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết vị trí cụm công nghiệp vốn là quả đồi san lấp, đất cằn cỗi nên phải trồng loại chịu được khí hậu khắc nghiệt, có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm, bụi khói tác động tới khu dân cư.
Ông Đường cho biết cây do nhà thầu trồng, đồng thời khẳng định chủng loài cây bạch đàn trồng tại dự án là phù hợp.

Một cây bạch đàn được trồng tại cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Ảnh: Ngọc Trung
Từ chối trả lời về kích thước cây bạch đàn đã trồng, ông Đường cho rằng trách nhiệm thuộc cơ quan thẩm định. "Cơ quan thẩm định tư vấn, lập hồ sơ thiết kế là Sở Xây dựng, sau đó chúng tôi mới phê duyệt. Sở thẩm định như thế nào, chúng tôi phê duyệt như vậy. Còn tư vấn thì làm theo các quy định", ông nói.
Sau khi Bí thư Thành ủy nhắc nhở, UBND quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo tạm dừng trồng cây xanh. "Dự án mới trồng cây ở trạm xử lý nước thải, khoảng vài nghìn mét vuông, còn khu vực khác chưa trồng nên thay đổi cũng dễ. Nếu Sở Xây dựng nói phải trồng cây lớn hơn thì chúng tôi trồng thôi", ông Đường nói thêm.

Một số cây kích thước lớn hơn trồng ở vệt cách ly. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết theo quy định, nhiệm vụ thiết kế do chủ đầu tư đưa ra, sau đó tư vấn thiết kế lập hồ sơ và trình chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu, cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định...
"Việc này không loại trừ trách nhiệm của chủ đầu tư, chứ không không thể đổ cho Sở Xây dựng. Ngoài ra, quá trình thi công thực tiễn, nếu chủ đầu tư thấy có vấn đề gì không đúng thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng chúng tôi không thấy quận Cẩm Lệ báo cáo lại", ông Hà nói.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, trong quy hoạch, khu vực trồng cây là hành lang xanh cách ly khu công nghiệp với khu dân cư, góp phần chống sạt lở. Do vậy, trách nhiệm trước hết thuộc chủ đầu tư. "Nếu nói do Sở thẩm định và quận trồng như thế là hoàn toàn không đúng bản chất", ông Hà nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học ứng dụng, Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng), cho biết cây bạch đàn ở cụm công nghiệp Cẩm Lệ trông giống bạch đàn đỏ. Thời gian đầu, cây con cần được chăm sóc kỹ, tưới nước và bón phân thường xuyên, tỷ lệ cây nhỏ chết cũng cao và cần trồng dặm lại.
Qua 1-2 năm, khi cây đã bén rễ và sinh trưởng tự nhiên thì sẽ ít tốn công chăm sóc, cây có thể cao 2-3 m mỗi năm, đường kính tăng thêm khoảng 4-5 cm. Tuy nhiên, ông Quyết lo ngại khu vực dự án mới san lấp, đất rất khô cằn, trống trải nên cây con "nhìn mỏng manh" sẽ khó thích nghi thời tiết nắng, gió bão.

Đất đá từ dự án cụm công nghiệp tràn xuống nhà dân và khu vui chơi xung quanh. Ảnh: Ngọc Vân
Dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cẩm Lệ thiết kế cốt nền cao hơn nhà dân xung quanh. Do vậy, mỗi khi có mưa, bùn đất từ dự án chảy tràn xuống nhà dân, làm hư hại hoa màu, nhiều diện tích trồng cây bị đất bùn vùi lấp, không thể canh tác.
Trận mưa lớn ngày 25/9 khiến hàng trăm khối đất đá tràn vào nhà dân, phủ kín khu vui chơi và đường giao thông. Một người dân cho biết ruộng vườn gần như bỏ hoang hơn 4 năm qua, do mưa xuống kéo theo đất sét màu đỏ nâu rất cứng phủ kín ruộng vườn, không thể cày cuốc và cây khó mọc.
Ông Nguyễn Hải Đường giải thích nguyên nhân là địa hình sẵn có của dự án cao hơn khu dân cư. Trong khi đó, mái taluy đang được thi công, kết cấu nền đất chưa chặt, việc trồng cỏ, cây xanh cách ly và chống trôi bùn đất chưa hoàn thành. Mỗi khi xảy ra sự cố, ban quản lý dự án và nhà thầu đã nạo vét bùn đất để khắc phục.
"Đó là lý do bất khả kháng trong quá trình thi công. Sau này chúng tôi hoàn chỉnh theo thiết kế thì sẽ chấm dứt tình trạng này", ông Đường nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, taluy hiện tại của dự án khá nguy hiểm, nên đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng nghiên cứu lại để có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả cụm công nghiệp và khu vực dân cư xung quanh.