Tôi hiện tham gia một mạng lưới các nhà tư vấn quốc tế có trụ sở chính ở Brussels, Bỉ. Vào tháng 3 và 4 khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, công việc tư vấn của tôi không bị gián đoạn, thậm chí còn bận rộn hơn do nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu chính sách và các quy định của chính phủ. Sự ổn định trong công việc khiến tôi khá lạc quan về viễn cảnh nCoV sẽ bị đẩy lùi nhanh chóng.
Nhưng vào giữa tháng 5, một email của P. Carlo, nhà sáng lập mạng lưới gửi tới các thành viên khiến tôi giật mình. Không khách sáo, nhà tư vấn 55 tuổi kỳ cựu người Anh cho rằng việc vài người trong chúng tôi thắc mắc liệu kỳ họp cuối năm dự kiến ở Bỉ có diễn ra không, bao giờ mọi người sẽ lại gặp mặt nhau ở các sự kiện nội bộ hoặc quay trở về trạng thái bình thường trước kia "là sự hiểu lầm đáng tiếc". Carlo thông báo trạng thái bình thường mới là "toàn bộ tổ chức sẽ làm việc qua mạng cho tới cuối năm, không lên lịch đi công tác nội địa hay xuyên biên giới cho tới khi bệnh dịch được kiểm soát trên toàn cầu - dự kiến ít nhất sau một, hai năm nữa". "Lịch sử cho thấy vào thời kỳ khủng hoảng, sự thù nghịch trên thế giới luôn tăng lên chứ không giảm đi. Và chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là thế giới còn thậm chí đảo điên hơn nữa", người đứng đầu mạng lưới nhấn mạnh. Với kinh nghiệm trải qua dịch SARS và cúm gia cầm, ông dự báo khá chính xác những diễn tiến gắn liền với nCoV.
Dù vậy, nhưng âu lo của tôi về dịch bệnh và sự tung tác của nó đối với cuộc sống cá nhân giảm dần theo những diễn biến tích cực tại Việt Nam. Việc tiếp xúc hàng ngày với những bản tin tích cực, ca ngợi Việt Nam liên tiếp nhiều tuần không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, chưa có tử vong vì Covid-19, bệnh nhân nguy kịch phục hồi thần kỳ... khiến tôi dần lơi lỏng cảnh giác.
Sau nhiều tuần lễ thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt hạn chế tiếp xúc, rửa tay chăm chỉ và mang khẩu trang, tôi có mặt nhiều hơn trong các cuộc liên hoan, quên hẳn khẩu trang khi đi thang máy và đi siêu thị. Tôi thậm chí còn kịp thực hiện một kỳ nghỉ ở biển vào giữa tháng 6 và đã lên lịch đi Đà Nẵng vào giữa tháng 8 cùng gia đình.
Tinh thần xả hơi này, theo quan sát của riêng tôi, dường như cũng hiển hiện ở những địa điểm công cộng trọng yếu nhất. Vào tháng 4 và tháng 5, bệnh viện quận nơi tôi hay đưa con đến khám thực hiện rất nghiêm túc việc phân loại bệnh nhân. Nhưng từ cuối tháng 6, việc sàng lọc này tự động biến mất, đồng nghĩa những ai đau họng, ho sốt hoặc rất có thể đang mang nCoV trong người có thể đi lại tự do từ phòng này sang phòng khác. Tại các sân bay, những dòng người ken đặc, háo hức tham gia các chuyến bay kích cầu du lịch nội địa khiến việc đứng cách nhau một, hai mét trở nên không tưởng.
Dịch bệnh có dấu hiệu bùng lên ở Đà Nẵng những ngày này khiến nhiều người lo ngại về sự lao dốc không phanh của ngành du lịch sau một vài tuần vừa gượng dậy. Nhưng du lịch chỉ là một phần trong toàn bộ câu chuyện của nền kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số gần 130 ngàn doanh nghiệp được khảo sát vào giữa tháng 4, có tới 91% doanh nghiệp có quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ và trên 82% siêu nhỏ cho biết họ bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid.
Cũng chính tại Đà Nẵng, một cuộc họp của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vào trung tuần tháng 7 cho biết mới chỉ có gần 3% doanh nghiệp ở thành phố được hỗ trợ từ các chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội và trợ giúp người lao động mất việc do nhiều vướng mắc, bất cập về thủ tục và nội dung chính sách. Đứng trước lo ngại về làn sóng dịch mới khởi phát vài ngày qua, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách căn cơ, thực hiện hiệu quả các chương trình tiếp sức cho người lao động yếu thế vẫn là thách thức đang đợi các nhà điều hành.
Thi thoảng, trong các lớp học dành cho lãnh đạo cấp trung của một số doanh nghiệp, tôi thường cố gắng giới thiệu tới mọi người khái niệm "thế giới VUCA", điều còn khá xa lạ với nhiều doanh nhân và cán bộ, nhất là tại những đơn vị được hưởng lợi thế về độc quyền thị trường, tiếp cận vốn và cơ sở hạ tầng. VUCA là tập hợp ký tự đầu tiên của bốn từ tiếng Anh: biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ. Hiểu theo nghĩa đen là thế giới hôm nay thế này, chỉ ngày mai đã có thể khác. Trong thế giới VUCA, việc cho rằng mình luôn nắm đằng chuôi là điều xa xỉ, đôi khi là ảo tưởng.
Vì vậy, tâm thế làm việc và lãnh đạo sẽ quyết định một tổ chức có thể phát triển bền vững hay không. Trong bối cảnh hiện nay, cách thức quản trị gắn liền với những mục tiêu cố định, những báo cáo thành tích, những con số và kế hoạch thiếu lý tính trở nên lỗi thời và trong nhiều trường hợp, trở thành áp lực và lực cản cho nhà điều hành. Năng lực quản trị cần có trong thế giới biến động không ngừng này, chính là một tầm nhìn về sự thay đổi, về khả năng phòng vệ và xoay xở trước những rủi ro và cú sốc từ ngoại cảnh. Đây cũng là điều tôi học được từ các đồng nghiệp quốc tế của mình. Cũng giống như sự kiện 11/9 làm thay đổi vĩnh viễn cách ngành hàng không thế giới vận hành, đại dịch Covid buộc mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi chính phủ bổ sung những góc nhìn và hành vi mới nhằm thích ứng với một thế giới khó lường.
Việt Nam đã ghi điểm ở làn sóng Covid thứ nhất. Chúng ta trông đợi những quyết định sáng suốt và chọn lọc của chính phủ để một lần nữa, có thể đối phó làn sóng Covid thứ hai đang hiển hiện. Tâm thế của mỗi người trước những biến cố và ý thức công dân đóng vai trò lớn để vượt sóng thành công. Phần còn lại, hy vọng việc phân bổ nguồn lực còn hạn chế của quốc gia tới những nhóm dễ tổn thương nhất, xây dựng bền vững trạng thái bình thường mới bằng cách thức quản lý phù hợp sẽ giúp chúng ta kiềm chế phần nào sự bất định của thế giới này.
Cẩm Hà