Bà Nguyễn Thị Minh Tâm. Ảnh: CTV. |
- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, bà dự báo thế nào về nhu cầu nhân lực năm 2009?
- Chúng tôi dự đoán cầu nhân lực có trình độ vẫn còn cao và nguồn cung cũng sẽ không khác nhiều so với tình hình hiện nay. Vì thực tế nhân lực có trình độ vẫn luôn thiếu và các yếu tố kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề này.
- Ngành nghề nào sẽ vẫn phát triển và có nhu cầu tuyển dụng và ngành nghề nào buộc phải sa thải lao động?
- Một số ngành nghề vẫn còn nhu cầu nhân lực rất lớn, chẳng hạn như tư vấn luật. Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam giờ đây đã bước vào sân chơi quốc tế nên vấn đề pháp lý càng trở nên quan trọng đối với những công ty muốn đứng vững và cạnh tranh trên thương trường.
Ngành nhân sự cũng nằm trong diện thiếu nhân lực “có tầm”. Hiện, nhân sự chỉ thiên về hành chính chứ chưa đạt đến tầm chiến lược. Các giám đốc tài chính (CFO) giỏi, có trình độ và kinh nghiệm ngang tầm quốc tế đồng thời hiểu rõ thực tiễn trong nước cũng đang còn thiếu. Ngành marketing và quảng cáo tại Việt Nam cũng thiếu nhiều chuyên gia giỏi. Và ứng viên cho các vị trí tổng giám đốc điều hành (CEO), giám đốc hành chính (COO), vốn đòi hỏi các kiến thức và kỹ năng tổng quát, lại càng hiếm.
Bên cạnh đó, những ngành nghề nóng và thuộc hàng “top” trước đây như chứng khoán và quỹ đầu tư đã không còn nóng, dẫn đến sự sụt giảm cầu nhân lực. Nhưng theo chúng tôi, có thể xem đó là sự tự điều chỉnh và loại bớt một số nhân lực tuy gọi là cao cấp, nhưng chưa thực sự trưởng thành. Họ có được cơ hội phát triển nhờ vào sự tăng trưởng quá nóng của cầu nhân lực và vượt mức cung.
Sau thời tăng trưởng nóng, ngành chứng khoán đã phải sa thải hàng loạt nhân viên. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Lao động trung và cao cấp đã vậy, còn lao động phổ thông sẽ chịu tác động thế nào?
- Theo quan sát của chúng tôi, lực lượng lao động phổ thông thường bị cắt giảm nhiều nhất, đặc biệt ở doanh nghiệp sản xuất trực tiếp. Khi tình hình kinh tế có những chuyển biến, một số lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sẽ bị tác động đầu tiên. Các đợt cắt giảm nhân lực cũng thường diễn ra sớm hơn ở những doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam hiện nay cũng như sắp tới vẫn chưa thoát ra được tình trạng thiếu lao động có kỹ năng và tay nghề cao.
- Bà có lời khuyên nào giúp lao động tìm được việc làm, giảm thiểu khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu?
- Đây là giai đoạn thử thách cho cả doanh nghiệp và nhân viên. Cả hai đều đang ngồi trên cùng một con thuyền và phải hợp tác tích cực với nhau để đưa thuyền vượt qua những cơn sóng cả. Cắt giảm nhân lực chỉ là giải pháp cuối cùng đối với chủ doanh nghiệp, vì thực tế không ai muốn để nguồn nhân lực đã thạo việc ra đi.
Về phía nhân viên, hãy tích cực làm việc hơn, sáng tạo hơn và bớt đòi hỏi. Nhân viên nên ý thức đóng góp nhiều hơn nữa, bởi vì công ty có tồn tại thì mình mới tồn tại. Nếu các bạn phải làm thêm một số việc khác, hãy học hỏi và trang bị thêm kỹ năng cũng như kiến thức cho mình. Trong thời buổi khó khăn, tất cả đều phải nỗ lực, không loại trừ một ai. Trong trường hợp bị sa thải, lao động nên nhìn nhận đây là cơ hội để phát triển ở một nơi khác.
Hồng Khánh thực hiện