Theo Điều 27 Bộ luật Hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (theo Điều 123 BLHS thì tội giết người có mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình) nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi giết người là 20 năm, tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
Điều luật này còn quy định: Nếu trong thời hạn quy định ở trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy, đối với trường hợp bạn hỏi, người phạm tội bỏ trốn và đã có lệnh truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ được tính lại từ thời điểm người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Do vậy về nguyên tắc, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện khi ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Bên cạnh đó, Điều 29 BLHS cũng quy định các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội như sau:
"Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận"....
Theo thông tin do bạn cung cấp thì người này hiện nay đã 80 tuổi, sức khỏe lại yếu nên có thể không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, việc đánh giá người đó có còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không sẽ tùy thuộc vào các tình tiết cụ thể của sự việc và do các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định.
Người này cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án cho rằng "do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa" hoặc "người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa".
Tóm lại, về nguyên tắc, người này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra từ 28 năm trước. Tuy nhiên, ông ta cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 29.
Trong trường hợp không được miễn trách nhiệm hình sự và bị xử lý, người đó có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS "Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên".
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội