Cô giáo vụ mới thông báo lịch nghỉ Tết xong, cả ký túc tấp nập thu dọn đồ đạc chuẩn bị về Tết. Cả một năm ròng đi học xa nhà, ai cũng háo hức cái giây phút được trở về với mái ấm gia đình để quây quần trong cái Tết ấm cúng nơi quê nhà. Chợt thấy cô bạn phòng bên còn ngồi ủ rũ, hỏi mãi cô bạn mới bảo: “Năm nay chắc mình lại trốn Tết”.

Thật lạ, cả đời người được mấy cái Tết vui vẻ bên gia đình, sao bạn lại phải “trốn Tết”? Dù xa quê không có điều kiện về nhà vào dịp năm hết Tết đến thì ít nhất bạn cũng đi đâu đó hay tới nhà bạn bè người thân cùng đón một năm mới thật an lành. Bạn lắc đầu quầy quậy, cảm ơn ý tốt của mọi người rồi lặng lẽ về phòng riêng đóng cửa.
“Năm nay chắc mình lại trốn Tết”, bạn đã phải trốn Tết bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với ông nội đến năm mười tuổi thì ông cũng theo cha mẹ về trời để một mình bạn sớm phải bơ vơ trước cuộc đời đầy những cạm bẫy và nghiệt ngã. Nhờ sự giúp đỡ chân tình của hàng xóm láng giềng, bạn vừa đi làm cũng vừa học xong hết cấp ba. Và rồi lại đi làm và tự thân thi đỗ vào trường đại học theo cái ngành không ít gian truân này, nhất lại là với một người thuộc phái yếu. Bạn bảo, nếu bắt xe về quê cũng vẫn phải thuê nhà trọ mà đón Tết, nghe sao mà xót xa lòng. Ngay cả cái chốn đi về ấy cũng là một điều gì xa xỉ lắm với bạn, nói gì đến một cái Tết ấm cúng bên người thân. Bạn từ chối tất cả lời mời về nhà ăn Tết của bạn bè trong ký túc, bởi bạn không muốn làm phiền tới họ hay đúng hơn là bạn không muốn chạnh lòng trước niềm hạnh phúc sum vầy của người khác mà bạn không bao giờ tìm lại được.
Tôi lại nghĩ đến những người lang thang không nhà không cửa, quanh năm lang bạt bốn bể là nhà. Trời Hà Nội dưới 10 độ C mà vẫn phải cúm rúm ở một góc khuất gió nào đó để tránh rét. Giả dụ họ không muốn trốn tết đi chăng nữa thì những cái Tết xa hoa ấy có bao giờ tìm đến họ hay không? Trốn Tết, phải chăng là cố thu nhỏ mình càng nhỏ càng tốt, vờ như không hay biết gì về những thời khắc giao chuyển của đất trời, sự thay đổi của con người chốn nhân gian, nơi mà họ vẫn đang tồn tại?
Tôi nghĩ tới cảnh một cụ già gần tám mươi và một bé gái chừng năm tuổi ngồi co ro ngoài bến xe xin ăn trong chiều ba mươi Tết năm ngoái, ai không khỏi mủi lòng? Rồi hai cụ cháu sẽ đi đâu về đâu trong chiều ba mươi ấy, tuổi thơ đứa bé và bao trẻ mồ côi lang thang khác có bao giờ biết đến một bữa cơm tất niên có đầy đủ cha mẹ, ông bà, có bánh chưng và mâm ngũ quả, có bao lì xì đỏ tươi ẩn chứa bao niềm thương yêu dành cho con cháu… Những điều tưởng chừng giản đơn nhưng lại là mơ ước của biết bao số phận kém may mắn trong cuộc đời này.
Trốn Tết, trốn rét, cũng là trốn cái nhìn thương hại của thiên hạ dành cho mình dù đôi khi họ biết mình đáng thương lắm chứ. Sinh ra trên đời ai chẳng muốn sung sướng, có ai từng trải qua tháng ngày tha hương cầu thực mới thấm thía hết nỗi khổ, nỗi cô đơn của họ trong những tháng ngày trở về sum họp của nhân gian. Có chăng, những nỗi bất hạnh ấy lại tìm đến với nhau để giúp nhau bớt lạnh hơn trong mùa đông chẳng khi nào dứt với những người đồng cảm cùng chung số phận thiệt thòi. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, lá rách nhiều thì bọc lấy nhau mà sống.
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy những người hảo tâm đóng góp giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đó là tín hiệu thật mừng. Nhưng còn những người không nhà không cửa không nơi nương tựa không địa chỉ, không biết họ có nhận được món quà của các tấm lòng nhân ái ấy hay không? Chỉ mong sao Tết năm nay và cả những năm tới sẽ không còn nhiều người phải “trốn Tết” vào những ngày Tết nữa.
Phạm Thị Nhung
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |