Ngày 4/2 đã trở thành một sự kiện trọng đại của gia đình ông Lê Ngọc Xuyên, 75 tuổi, ở thôn 6, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương. Để đón đứa con Lê Thị Hòa lưu lạc 33 năm, nay tìm về, ông đã cho đốt hơn chục giàn pháo hoa, bày bánh kẹo, trà nước, thuê MC, mời bà con lối xóm tới chung vui.
Thời gian đã xóa mờ ký ức của bà con trong thôn về cô bé Hòa năm xưa nhưng họ bất ngờ khi thấy trí nhớ của chị về quê hương, làng xóm vẫn vẹn nguyên. Chị Hòa nhớ gần hết những cô, dì, chú, bác thân thiết dù xa nhà đã lâu.
Cũng nhờ trí nhớ đó, xuân này, người con lưu lạc mới có cơ hội đoàn tụ cùng gia đình.
![Chị Hòa và anh trai cả (ngoài cùng bên phải) trên hành trình từ Móng Cái về quê nhà, hôm 5 Tết Ất Tỵ. Ảnh gia đình cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/05/z6286242729810-1b181c7be126605-5263-9311-1738746008.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fUERC5N1lpeiUuB__rzqqA)
Chị Hòa và anh trai cả (ngoài cùng bên phải) trên hành trình từ Móng Cái về quê nhà, hôm 5 Tết Ất Tỵ. Ảnh gia đình cung cấp
Năm 1992, khi 16 tuổi, chị Hòa đến nhà người họ hàng chơi, mãi không về. Ông Lê Ngọc Xuyên và vợ đến nhà người này tìm con gái, thấy quần áo nhưng không thấy người. Nghĩ con mình bị lừa bán, nhưng không có bằng chứng, không am hiểu pháp luật, vợ chồng ông đành chờ đợi. Đến khi vợ ông nhắm mắt xuôi tay, người con thứ ba của gia đình vẫn không trở về.
"Đó là điều tiếc nuối nhất trong đời mẹ và khoảng trống trong lòng cha và anh chị em chúng tôi", anh Hào, 51 tuổi, con trai cả của ông bà, kể. Hàng chục năm qua, anh Hào chỉ biết lên hội nhóm trên mạng xã hội tìm kiếm, nhờ người quen ở Trung Quốc dò hỏi nhưng không có tin tức.
Chị Hòa kể, năm ấy tới nhà người họ hàng ở xã bên chơi, chị bị người con rể của gia đình này lừa bán sang Trung Quốc. Nơi xứ người, Hòa gần như bị biệt giam và làm vợ một người đàn ông ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Châu. Biết không thể trốn, Hòa khóc suốt vì cô đơn và thương nhớ gia đình.
"Có lần tôi nói nhớ cha mẹ liền bị chồng chặt mất ngón út, cấm không cho nhắc nhớ gì nữa", chị kể.
Bị giam cầm và khủng bố tinh thần, không giấy tờ tùy thân, cô gái Việt một mình nơi xứ người không dám phản kháng. Hòa sinh cho người này một con trai, hàng ngày quẩn quanh trong nhà, học tiếng địa phương nhờ giao tiếp với nhà chồng. Dẫu cuộc sống khắc nghiệt, chị vẫn không quên tên cha mẹ, tên anh trai và địa chỉ nhà.
Năm 2018, người chồng qua đời. Hai năm sau đó, chị Hòa kết hôn với người mới bằng tình yêu, chuyển đến sống cùng anh ở thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Quảng Châu. Thấy vợ thường xuyên nói về mong ước tìm lại gia đình, ba năm trước, người chồng bắt đầu hành trình tìm người thân cho vợ. Tuy nhiên không sống gần người Việt, không am hiểu mạng xã hội, vợ chồng chị không tìm ra cách. Cuối năm nay, anh mới kết nối với một nhóm thiện nguyện chuyên hỗ trợ những phụ nữ hoàn cảnh như Hòa, nhờ về quê hương tìm gia đình.
Ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ, một chiếc xe đỗ trước cửa nhà ông Xuyên. Người con trai cả ra tiếp khách, bất ngờ khi người lạ nhắc đúng tên cha mẹ và tên mình, nói có người phụ nữ đang lưu lạc ở Trung Quốc muốn tìm về. Anh Hào như nghẹn lại, lật đật gọi bố và các anh chị em trong gia đình. Cả nhà cùng tụ lại để kết nối với chị Hòa qua video.
"Nhìn em tôi nhận ra ngay vì nó giống mẹ và hai đứa em sau lắm", anh nói. Nhưng trong khoảnh khắc đó, họ chỉ nhìn nhau khóc, hẹn ngày đoàn tụ.
4h sáng ngày mùng 6 Tết, 7 anh chị em anh Hào cùng dâu, rể và các cháu thuê một chuyến xe đi lên cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. 4h chiều họ mới đón được chị Hòa.
Những người ruột thịt ôm chầm lấy nhau, từng người rờ lên khuôn mặt đẫm nước mắt của Hòa, như không tin vào mắt mình.
"Hơn 30 năm qua, tôi nghĩ khả năng em gái mình còn sống chỉ khoảng 1%'', anh Hào kể.
![Chị Hòa, chính giữa, cùng các anh chị em trong gia đình ở nhà bố mẹ đẻ tại Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa, ngày đầu đoàn tụ, hôm 5 Tết Ất Tỵ. Ảnh gia đình cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/05/z6286245725524-708999d916b2718-7250-7189-1738746008.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cBdXtcjsV4Gt_P4w6Gr2jQ)
Chị Hòa, chính giữa, cùng các anh chị em trong gia đình ở nhà bố mẹ đẻ tại Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa, ngày đầu đoàn tụ, hôm 5 Tết Ất Tỵ. Ảnh gia đình cung cấp
Trên hành trình hơn 400 km trở về, 8 người con của ông Xuyên lên kế hoạch ăn mừng. Sáng mùng 7 Tết, các anh em trai gọi người dựng rạp, thuê bàn ghế, loa đài. Các em gái đưa chị Hòa đi mua quần áo mới, làm tóc, gội đầu. Ba ngày nay, ông Xuyên thức trắng, cứ thấp thỏm ra vào vì thương con, vui mừng và hồi hộp.
"Cháu cảm ơn mọi người đã đến chung vui với gia đình cháu", chị Lê Thị Hòa nói ngập ngừng sau hàng chục năm tưởng như đã quên cả tiếng mẹ đẻ.
Sống ở vùng núi nên những món ăn miền biển như cá, tôm, chị Hòa chưa ăn lại được. Người phụ nữ lưu lạc cũng không quen món bánh chưng, giò chả ngày Tết. Chị dự định sẽ ở với gia đình 10 ngày rồi về lại Trung Quốc bên chồng, con và cháu nội.
Gia đình cũng đưa chị đến chính quyền xã khai báo, đợi hoàn tất thủ tục để có căn cước công dân. Vài ngày tới, khi những xáo trộn cảm xúc lắng xuống, các anh chị em Hòa sẽ họp bàn tìm cách đòi lại công bằng bởi kẻ gây nên bất hạnh cho chị vẫn ngoài vòng pháp luật.
Còn hiện tại, anh Hào tính khi chồng Hòa từ Trung Quốc sang sẽ làm cỗ mời họ hàng tới chung vui. "Em rể nói nhớ vợ và cũng muốn qua thăm nhà. Sau 33 năm, Tết này đúng nghĩa Tết đoàn viên", anh nói.
Phạm Nga