Cuộc sống thành thị luôn gấp gáp, bon chen. Người ta vội không kịp gửi nhau lời chào khi tình cờ gặp hay có lúc chỉ xã giao đôi ba câu rồi lại vội đi, lẫn vào đám đông. Có lẽ cả hơn tháng rồi tôi cũng chưa về thăm mẹ, bố thì công tác xa, còn cậu em cũng bận với công việc nơi đô thị. Hôm nay, sau câu nói của mẹ, tôi dừng công việc sớm và chuẩn bị về để cảm nhận những giá trị sống mà tôi đã bỏ quên.
Ngồi trên xe khách, tôi gọi cho mẹ nói vẻn vẹn “ Mẹ, chị em con đang về”. Tôi cảm nhận được nụ cười của mẹ dù mẹ chỉ “ừ”. Tự nhiên thấy nhẹ lòng, mấy ngày trước mẹ hay gọi lên nói chuyện mẹ đi chợ mua ít miến, bánh đa, dì Sáu cho mấy quả bưởi và nải chuối chín ương cúng Tết ông Công ông Táo. Nhưng bận bịu với công việc, những buổi tiệc buffet với bạn bè và đồng nghiệp mà tôi chỉ vâng cho qua chuyện, không để tâm đến tiếng thở dài của mẹ khi cúp điện thoại. Những khi trái gió trở trời, lưng và đầu mẹ lại đau bởi căn bệnh thoái hóa và gai đôi cột sống. Chị em tôi thay nhau gửi thuốc, sữa hay những món ăn về cho mẹ mà không biết mẹ ở nhà có đỡ hơn không, mẹ có thích những món đó hay không? Nghĩ lại sự vô tâm của mình mà suốt chặng đường ngồi trên xe, nhìn cảnh phố thị tấp nập thưa dần, những ngôi nhà cao tầng san sát khuất dần, bên đường là những cánh đồng, người đi chăn bò về muộn, những ngôi nhà nhỏ leo lét ánh đèn khuất sau những cây to, tôi không ngăn nổi nước mắt.
Mùa đông nên trời tối nhanh, mới 6 giờ chiều đã không nhìn rõ mặt người. “Nhà mình chắc lạnh hơn chị nhỉ, lại mưa lất phất, nhìn ngoài đường gió to kìa” khi trong tay ôm túi quần áo mua cho bố mẹ. Tôi hiểu, em cũng có suy nghĩ và cảm nhận giống tôi.
Bước xuống xe, hít một hơi dài cảm nhận hương vị quê nhà, tôi cảm nhận giá trị của cuộc sống chính là đây, nơi mình được sinh ra và lớn lên. Nơi có những con người chân chất, điềm tĩnh và rất hào phóng nụ cười.
Chỉ nghe tiếng “cạch” mở cổng là mẹ đi vội ra, quên cả mang nón dù trời mưa ướt sân. Có ánh đèn pin phía sau mẹ nữa. “A, bố!” em tôi reo lên. “ Thấy mẹ bảo hai chị em về nên bố cũng về” giọng bố ấm áp cười hà hà. Chưa tới cửa, cậu em đã đánh tiếng “ Thơm quá mẹ ơi, cá rọi kho hả mẹ?”. Mẹ cười vỗ bạch bạch vào vai “ Cha bố anh, chỉ thế là nhanh thôi”. Chẳng kịp rửa chân tay mặt mũi là nó chạy ngay vào mâm cơm, mở lồng bàn, giọng tâm đắc “Đấy, con chỉ ngửi mùi là biết, món cá mẹ kho vẫn là nhất”. Mẹ dường như rất vui, không ăn nhiều mà chỉ ngồi kể chuyện. Bố chỉ nghe và cười, gắp thức ăn cho hai chị em. Còn cậu em chẳng nói chẳng rằng làm một mạch bốn bát cơm, rồi lục tủ lấy chuối ăn. Vừa đói vừa mệt nên ăn xong một lúc mẹ mới giục đi tắm gội. Mùi xả, gừng lẫn với bưởi, hương nhu, bồ kết thơm phức. Cảm giác mình thật nhỏ bé.
Em ôm túi quần áo, giục bố mẹ mặc xem vừa không. Mẹ thì bảo “mua làm gì tốn kém, mẹ nhiều quần áo, mặc có hết đâu”. Nhưng tôi cảm nhận niềm vui trong đôi mắt mẹ khi cầm chiếc áo ấm trên tay. Còn em thì mặc cho bố chiếc áo ấm mà nó tìm mãi mới ưng ý, lại còn bắt bố quay trước quay sau cho nó ngắm. Buổi tối, tôi ngủ với mẹ còn em ngủ với bố, cứ như hồi còn bé tí ấy, ấm áp vô cùng.
Sáng sớm, mẹ dậy thổi cơm. Bếp củi nên ấm tuyệt. Còn em và bố đang sửa cánh cửa chuồng gà. Thật may hôm nay lại hửng nắng, ăn sáng xong hai chị em dọn nhà đón tết. Mẹ đi chợ suốt, lúc thì quên mua cái này rồi lại quên mua cái kia, nào táo, ổi, rồi lại đặt nồi ngô luộc lên bếp. Cậu em cứ léo nhéo “chị trông bếp đừng có ăn vụng đấy nhớ, em thèm ăn ngô luộc lắm”. Chỉ vậy thôi mà ngôi nhà nhỏ tràn ngập không khí Tết. Cây đào ở sân năm nay nhiều nụ, chắc hẳn Tết này sẽ nở rực rỡ.
Lúc đi, mẹ dặn về sớm đi thăm mộ ông bà và chuẩn bị gói bánh chưng, nấu mứt dừa và kẹo lạc, bố thì gói giò. Ôm mẹ rồi đi, trong lòng háo hức tự giục “nhanh còn về với bố mẹ”. Mẹ vẫn đứng nhìn, hình ảnh mẹ nhỏ dần cho tới khi khuất hẳn.
“Biết chiều nay con về trời trở gió
Nhưng có mái nhà, giông bão cũng bình yên
Mẹ kể con nghe những chuyện xóm riềng
Cha cười hiền chuyện ấm trà và tri kỷ
Biết chiều nay con về từ phố thị
Đời đa ngã bốc chốc hóa hư vô”
(Trích “Biết chiều nay con về từ phố thị” - Tiểu Thơ)
Bố mẹ ơi, con sẽ về sớm…
Nguyễn Thị Mỹ Bình
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |