Đây là sự tri ân của lãnh đạo và nhiều thế hệ sinh viên Đại học Hong Kong với người phụ nữ 44 năm phục vụ trong trường. Nhân kỷ niệm sáu năm ngày mất của bà, cuộc đời truyền cảm hứng của Viên Tô Muội lại được giới truyền thông Hong Kong nhắc lại.
Viên Tô Muội sinh năm 1927 trong một gia đình mẹ mất sớm ở Đông Quản, Quảng Đông (Trung Quốc). Khi chiến tranh bùng phát, người cha đưa gia đình chạy nạn sang Hong Kong. Vì là dân ngụ cư, gia đình nghèo nên Viên không được đi học. Lớn lên, bà lấy chồng là một đầu bếp.
Năm 1957, chồng của bà Viên vào làm việc tại căng tin Đại học Hong Kong. Bà cũng theo chồng làm phục vụ tại đây và dần dần nổi tiếng toàn trường bởi sự siêng năng, tận tâm và có trách nhiệm dù ở bất kỳ vị trí nào, từ phục vụ, phụ bếp, nấu chính cho đến dọn dẹp khuôn viên trường học sau này.
"Tôi không coi công việc là công cụ kiếm tiền mà là thứ thể hiện giá trị bản thân", bà nói. Theo Viên Tô Muội, dù làm bất kỳ công việc gì, ở địa vị nào cũng cần cố gắng bằng sự tận tâm.
Trần Hướng Vinh, một luật sư tốt nghiệp từ những năm 1990 kể lại, vào đêm trước kỳ thi cuối, anh sốt cao liên tục. Bà Viên khi đó đang phụ trách bếp chính đã dành vài tiếng để nấu một bát thuốc, giúp anh kịp khỏe lại để hôm sau có mặt trong kỳ thi quan trọng. Dù sau này trở thành một luật sư nổi tiếng nhưng Trần không thể quên bát thuốc của "dì ba Viên"- biệt danh mà sinh viên trong trường đặt cho Viên Tô Muội.
Cựu sinh viên Lương Nại Bằng kể, thời đi học anh thường ngồi một mình trong lớp tới nửa đêm. Thấy vậy, trong thời gian dài, bà Viên nấu súp gà mang đến, giúp cậu sinh viên bồi bổ sức khỏe. Tiền mua gà, người phụ nữ trích từ số lương ít ỏi của mình vì biết gia đình Lương nghèo. Sau này khi trở thành phó chủ tịch của tập đoàn Hong Kong Broadcasting, Lương Nại Bằng vẫn rớm nước mắt mỗi khi nhắc tới bà Viên.
Hầu hết sinh viên trong trường, Viên Tô Muội đều nhớ tên và sở thích. Sinh viên có thể thoải mái chia sẻ mọi thứ từ tình yêu, học tập hay các mối quan hệ khác với bà. Nếu đủ hiểu biết, bà sẵn sàng truyền đạt lại kinh nghiệm, ngược lại sẽ ngồi nghe để họ giải tỏa được nỗi niềm. Với sinh viên nghèo, bà Viên thường giúp đỡ bằng thức ăn, với sinh viên sức khỏe không tốt, bà mua thuốc bắc về sắc và thường không lấy tiền.
Những năm 1980, vì bệnh tim tái phát nên Viên Tô Muội không còn đủ sức khỏe làm việc trong căng tin nên nhận dọn dẹp khuôn viên trường đại học. Dù chỉ là công việc tay chân đơn thuần nhưng ở đâu có sự xuất hiện của người phụ nữ này, ở đó đều sạch sẽ.
Các sinh viên kể, đôi khi họ tổ chức tiệc ngoài khuôn viên và kết thúc khi trời tảng sáng nhưng bà luôn yên lặng chờ đợi để dọn dẹp, không thúc giục hay phàn nàn dù đã hết giờ làm việc. Nhiều sinh viên Đại học Hong Kong vẫn nhớ như in hình ảnh người phụ nữ đứng tuổi còng lưng một mình quét dọn căng tin, sân trường lúc sáng sớm.
Sau khi sức khỏe yếu phải nghỉ làm, để ghi nhớ đóng góp của bà, trong môn học mang tên "Lịch sử ký túc xá" mà sinh viên năm nhất Đại học Hong Kong phải học, có một dòng nói lên sự kính trọng và yêu mến mà sinh viên và lãnh đạo nhà trường dành cho Viên Tô Muội: "Có ba bảo vật trong sảnh đường của trường đại học là chiếc thang đồng hồ, những tác phẩm điêu khắc và Viên Tô Muội".
Tháng 6/2009, ở tuổi 82 Viên Tô Muội được trao danh hiệu Viện sĩ danh dự của Đại học Hong Kong. Đây là danh hiệu chỉ dành cho những nhân vật ưu tú, có sức ảnh hưởng và đóng góp đáng kể cho nhà trường. Khi bà lên nhận giải, khán giả bên dưới từ những cựu sinh viên tóc bạc phơ hay sinh viên mới nhập học đều reo hò. Hiệu trưởng nhà trường trong bài phát biểu đã khẳng định: "Viên Tô Muội là bảo vật của Đại học Hong Kong".
Năm 2017, bà Viên qua đời ở tuổi 90. Trang chủ của Đại học Hong Kong lần đầu tiên đăng ảnh người phụ nữ này nhằm kèm dòng chữ "Chúng tôi sẽ mãi nhớ bà". Nhiều chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng từng là sinh viên trường cũng đăng thông điệp tưởng nhớ "Mong dì ba Viên yên nghỉ".
Trong những bài đăng của mình, nhiều người không quên ghi chú thêm câu nói của Viên Tô Muội: "Đừng nuối tiếc quá khứ, cũng đừng quá tham vọng, chỉ cần nghiêm túc làm những việc trước mắt mới tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống".
Trang Vy (Theo sohu)