![]() |
Phụ nữ sau sinh dễ bị trầm cảm. Ảnh: American-pictures. |
Nghe đến từ "rối loạn tâm thần", rất nhiều người hình dung ra một người điên nhếch nhác hoặc không quần không áo đi lang thang khắp phố phường, gặp ai cũng đuổi, khóc cười vô cớ. Thực ra, tất cả các trường hợp tâm thần có sự mất cân bằng, không được hoàn toàn thoải mái đã là có vấn đề. Và nếu xét theo cách này, có đến 20-30% dân số có các vấn đề về tâm thần.
Rối loạn tâm thần là tình trạng lệch lạc về cảm xúc, hành vi và ý nghĩa trong một giai đoạn nhất định, do nhiều nguyên nhân gây ra như stress, bệnh cơ thể hay không rõ nguyên nhân (WHO). |
Cách nghĩ đánh đồng rối loạn tâm thần với tình trạng điên loạn đã tạo ra rất nhiều bi kịch, khiến bệnh từ nhẹ chuyển thành nặng, không chữa khỏi được, hoặc đã khỏi mà phát bệnh trở lại. Thanh Thu là một trong các nạn nhân của cách nghĩ đó.
Suốt thời đi học, Thu thường xuyên đứng đầu lớp. Việc thỉnh thoảng sơ sẩy trong khi làm bài kiểm tra hoặc bị tụt xuống vị trí thứ hai luôn làm cô đau khổ, thấy xấu hổ với bạn bè. Cô học ngày học đêm với mong ước đỗ cao vào một trường đại học danh tiếng. Nhưng do kiệt sức, Thu làm bài không tốt và bị trượt. Cú sốc lớn khiến Thu lâm vào khủng hoảng, trở nên "đơ đơ". Nhưng do "gặp thày gặp thuốc", được gia đình đưa đi khám và điều trị sớm nên cô nhanh chóng hồi phục. Bác sĩ nói Thu đã bị trầm cảm nhẹ.
Năm sau, Thu lại đi và đỗ đại học. Khi ra trường, với kết quả học tập tốt, nhanh nhẹn, cô nhanh chóng kiếm được việc làm tốt và thăng tiến nhanh. Rồi Thu yêu. Bi kịch xảy ra khi anh người yêu nghe hàng xóm của Thu rỉ tai: "Con bé ấy từng bị điên đấy, chả biết lúc nào mà phát lại đâu". Anh dứt khoát chia tay vì thấy sợ hãi khi "phải lấy một người từng bị điên làm vợ". Đau đớn, tuyệt vọng khi nghĩ sẽ chẳng ai dám lấy mình nữa, Thu dần dần lại chìm vào vực thẳm của sự cô đơn, trống trải, rã rời và chứng trầm cảm lại trở lại với cô, ngày một nặng thêm. Người đời xì xào: "Nó lại điên trở lại rồi".
Sức khỏe tâm thần là một cuộc sống thực sự thoải mái, đạt được niềm tin vào giá trị bản thân, vào phẩm chất và giá trị của người khác; có khả năng ứng xử bằng cảm xúc, hành vi hợp lý trước mọi tình huống; có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển thỏa đáng các mối quan hệ; có khả năng tự hàn gắn để duy trì cân bằng khi có các sự cố gây mất thăng bằng, stress. (Nguồn: WHO) |
Bà Nguyễn Thanh Tâm, điều phối viên Dự án sức khỏe tâm thần, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cho biết, sự kỳ thị là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc điều trị tâm thần hiệu quả. Ở Việt Nam, điều này còn rất nặng nề.
Biểu hiện là vào những dịp lễ tết, khi các cơ sở y tế cho bệnh nhân đã được điều trị ổn định về đoàn tụ với gia đình thì có nhiều nhà không muốn nhận. Họ không muốn có một "người điên" trong nhà vào những dịp như thế này. Với những người gia đình bị ép phải đón về, thay vì vui vẻ tỉnh táo lại do được sống bên người thân thì trái lại, nhiều người được đưa trở lại bệnh viện trong tình trạng trầm trọng hơn do cách cư xử của gia đình, hàng xóm. Sự kỳ thị không chỉ tồn tại với những người bệnh mà cả với gia đình người bệnh, cả với những y, bác sỹ, những người làm trong nghề.
Chính sự kỳ thị khiến người bệnh và thân nhân của họ thường giấu biệt khi phát hiện, sợ bị cho là "nhà ấy có máu điên, gene điên". Họ ngại hoặc thậm chí không dám đi khám hay điều trị vì sợ người đời xét nét rằng nếu bình thường sao lại đến "trại điên" (một từ thường được dùng chỉ các bệnh viện, trung tâm sức khỏe tâm thần).
Nếu xét định nghĩa của giáo sư tâm thần học Nguyễn Việt: "sức khỏe tâm thần không chỉ là không có rối loạn hay dị tật về tâm thần, mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái" thì khái niệm bệnh tâm thần thật ra cũng rất "đời thường". Thanh niên đua xe, lạm dụng rượu, ma túy, phụ nữ buồn bã trầm cảm sau sinh, tình trạng trẻ thường xuyên quậy phá, trộm cắp, nói dối, trốn học... lặp đi lặp lại trên 6 tháng, trẻ đái dầm, mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân... đều có thể do vấn đề về tâm thần.
Không ai đang hoàn toàn bình thường mà tự nhiên điên loạn cả, các chuyên gia đều khẳng định. Những trường hợp bệnh nặng đều được tiến triển dần dần từ những rối loạn nhẹ với rất nhiều cơ hội được chữa khỏi, chỉ có điều những cơ hội ấy đã bị bỏ qua hay không được sử dụng đúng. Ngay cả với những trường hợp nặng, việc điều trị đúng cách vẫn có thể làm bệnh nhẹ đi. Và trong quá trình này, việc tránh kỳ thị đóng một vai trò rất quan trọng.
Người từng bị tâm thần vẫn có thể thành đạt
Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần kể, có nữ bệnh nhân từng điều trị nay đã lấy chồng, sinh con và là lãnh đạo một cơ quan rất lớn, dù trước đó từng lâm vào trạng thái mà người ta vẫn gọi là "điên". Trường hợp này đã rất may mắn vì có người nhà và người yêu hiểu biết, không kỳ thị, đưa đi điều trị kịp thời, chia sẻ, gần gũi, yêu thương. Chính điều đó đã giúp bệnh nhân vượt qua được ám ảnh bệnh tật để dần dần hồi phục, trở lại với cuộc sống bình thường.
Anh Phương, chủ doanh nghiệp tại một tỉnh phía Nam, cũng là một ví dụ điển hình. Người thanh niên này vốn quê ở miền Bắc, đã học xong đại học, có vợ và con gái. Rồi anh bị rối loạn lo âu, luôn thấy bồn chồn, bứt rứt, bị thôi thúc muốn làm những hành động ghê gớm, thậm chí giết người. Để cưỡng lại những thôi thúc ghê gớm ấy, Phương đã phải yêu cầu người nhà trói mình, thậm chí tự nhổ trụi cả hàng răng cửa.
Phương khỏi sau vài tháng chữa bệnh, nhưng anh cảm thấy khó sống và làm việc bình thường khi mọi người không bao giờ quên anh từng bị "điên". Qua tư vấn, vợ chồng anh quyết định vào Nam, sống ở một nơi không ai biết quá khứ của mình. Cùng với người vợ thủy chung, Phương làm lại cuộc đời. Họ bắt tay vào kinh doanh và đã trở thành một ông chủ lớn. Phương cho rằng nếu ở lại quê nhà, anh sẽ không thể thành đạt, thậm chí biết đâu đã tái phát bệnh tâm thần.
Những trường hợp như Phương sẽ ngày càng nhiều nếu mọi người, nhất là thân nhân, hiểu đúng hơn về bệnh tâm thần và có cách cư xử hợp lý. Liệu pháp gia đình với sự yêu thương, chia sẻ là yếu tố tối quan trọng trong điều trị bệnh này.
Theo các chuyên gia, ngay cả những người đã điên thật sự cũng không phải đã mất hoàn toàn khả năng suy nghĩ. Cũng có những lúc họ tỉnh và việc trò chuyện, giao tiếp của gia đình sẽ có tác dụng trị liệu. Nên tránh dằn hắt, chia sẻ và giải tỏa những nỗi lo lắng của họ, cho họ biết họ vẫn được yêu thương và tôn trọng, và họ không phải là người bỏ đi. Tốt nhất là nên tạo cho họ làm một công việc gì đó.
Bệnh tâm thần, suy cho cùng cũng chỉ là một vấn đề của y học, như tiểu đường, đau tim, huyết áp cao hay thấp khớp. Phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Do đó, không nên ngại đến bác sĩ khi phát hiện ở mình hay người thân những biểu hiện khác lạ kéo dài.
Thanh Nhàn