Hu Weiwei cảm thấy phiền toái khi tìm nhà thuê ở thành phố Thiên Tân nên quyết định ở trọ trong một khách sạn. "Phải đối mặt với chủ nhà là một cơn ác mộng", cô gái 24 tuổi nói về quyết định hai năm trước.
Hu tính toán nếu ở ghép tốn khoảng 1.000 tệ (3,5 triệu đồng) mỗi tháng, thuê căn hộ riêng 2.000-3.000 tệ nhưng có thể thuê khách sạn dài hạn với giá 2.500 tệ. "Rẻ hơn, không cần đặt cọc, không phí môi giới, lại bao gồm cả điện nước", cô nói.
Bên cạnh giá thuê, ở khách sạn mang lại cho Hu nhiều sự tiện lợi. Cô không phải dọn dẹp, điều hòa chạy 24/7 và ngay bên ngoài là cửa hàng, nhà hàng, ga tàu điện ngầm. Ở khách sạn, cô có thể ngủ đến trưa, gọi đồ ăn ngoài, chơi game hoặc mua sắm buổi chiều và làm việc online tới khuya.
"Hành lang có camera giám sát nên phụ nữ sống một mình cũng không cần lo về an ninh", Hu nói thêm.
Điểm trừ nhỏ là bàn thấp và ánh sáng yếu, nhưng cô đã tự mua đồ nội thất để khắc phục. "Lối sống này không ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội, vì bạn bè tôi cũng ở rải rác khắp nơi", cô nói.
Hai năm qua, Hu trọ trong các khách sạn ở Thượng Hải, Tô Châu và hiện tại là quê nhà Cát Lâm. Cô khẳng định đây sẽ là lựa chọn hàng đầu trong tương lai gần.

Ảnh minh họa: Sixthtone
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Qunar, nhu cầu ở khách sạn dài hạn của người trẻ Trung Quốc đang tăng mạnh. Từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, số lượt đặt phòng trên một tháng đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu ở nhóm 25-30 tuổi.
Chi phí trung bình là 2.700 tệ một tháng. Các điểm đến ấm áp phía Nam như Vân Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam đặc biệt hút khách.
Trong kỳ nghỉ đông vừa qua, sinh viên 22 tuổi Tang Miaomiao và bạn trai thuê phòng khách sạn hai tháng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Cô rất hài lòng với khía cạnh kinh tế của việc ở khách sạn dài hạn. "Thuê nhà truyền thống phải trả phí môi giới bằng cả tháng tiền nhà. Ở khách sạn tôi không phải trả khoản này", cô nói.
Sự hiếu khách của nhân viên khách sạn cũng gây ấn tượng mạnh với Tang. "Họ làm bánh bao cho chúng tôi đêm giao thừa và đội phục vụ bữa sáng nhớ tôi thích ăn mì", cô kể.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo. Cửa sổ phòng Tang hẹp, nhìn ra hành lang và không mở được, khiến căn phòng đôi khi tối và tù túng. Việc không có bếp cũng khiến hai người tốn kém hơn cho việc ăn ngoài.
Dữ liệu từ chuỗi khách sạn Jin Jiang Hotels China Region cho thấy, từ 1/1 đến 19/3, số khách dưới 40 tuổi lưu trú trên một tháng tại các cơ sở của họ đã tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm khách này bao gồm người đi công tác, lao động tự do và các chuyên gia trẻ tuổi bị thu hút bởi chi phí hợp lý, sự linh hoạt và các tiện nghi như dịch vụ vệ sinh, phòng tập gym.
"Một số khách sạn đưa ra mức giá lưu trú dài hạn rất hấp dẫn, tương đương giá thuê căn hộ cùng khu vực, nhưng lại không mất phí đặt cọc", nhân viên của Jin Jiang cho biết. "Ở khách sạn dài hạn cho phép bạn sống theo kiểu 'xách vali lên và đi' – có thể thay đổi địa điểm bất cứ lúc nào, tránh được phiền phức và tổn thất khi thuê nhà".
Xu hướng này đang tác động đến thị trường cho thuê truyền thống. Giá thuê nhà trung bình tại 50 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 3,25% trong năm 2024, bất chấp các chính sách hỗ trợ và nguồn cung gia tăng.
Việc cho thuê khách sạn dài hạn nổi lên như một giải pháp trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, khi các khách sạn đối mặt với sụt giảm khách du lịch và công tác. Nhiều nơi đã giảm giá, chuyển đổi phòng trống thành nơi cho thuê dài hạn.
"Trong thời gian hạn chế đi lại, khách sạn bình dân trở nên cực kỳ rẻ, thường rẻ hơn căn hộ truyền thống", Wu Ben, phó giáo sư du lịch tại Đại học Fudan (Thượng Hải), nhận định. "Lợi thế giá cả này thu hút những người thuê nhà trẻ tuổi".
Ông Wu cho rằng khách thuê dài hạn là đối tượng lý tưởng cho chính các khách sạn vì "ít đòi hỏi hơn về bảo trì phòng". Dù giá có thể tăng vào mùa cao điểm, nhóm khách này vẫn là nguồn thu ổn định và giá trị.

Người trẻ Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm sống trong khách sạn
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, người trẻ chia sẻ lý do chọn khách sạn là vì giá cả phải chăng, an toàn và có dịch vụ tiện lợi như giặt là.
Với Casey Cheuk, 40 tuổi, người Hong Kong, "nhà" là khách sạn Marriott ở quận Từ Hối (Thượng Hải). Cô chọn nơi này vì vị trí và sự linh hoạt.
Là thành viên Marriott, Cheuk tích điểm thưởng toàn cầu. Nhưng lợi ích còn nhiều hơn: phòng gym mở cửa 24/7, cửa sổ kính lớn nhìn ra toàn cảnh thành phố. Mức giá 10.000 tệ một tháng cao hơn giá thuê trung bình, nhưng cô cho biết nếu tính cả phí đậu xe, tiện ích và các dịch vụ đi kèm, chi phí này tương đương một căn hộ dịch vụ.
Thời gian đi làm của cô chỉ mất 20 phút, nhà hàng khách sạn giúp cô không cần nấu nướng. Không gian này còn là nơi cô gặp gỡ khách hàng hoặc bạn bè.
Vợ chồng Cheuk là đại diện của lối sống du mục số. Họ thường xuyên di chuyển giữa các thành phố và thuê khách sạn dài hạn là giải pháp tốt nhất.
"Với hợp đồng thuê nhà truyền thống, bạn vẫn phải trả tiền nhà ngay cả khi không ở đó", cô nói. "Ở khách sạn, chúng tôi tiết kiệm hơn và tránh phiền phức".
Cheuk cũng nhận thấy sự thay đổi trong nhận thức sau một năm sống ở khách sạn. Cô từng thích mua sắm vô tội vạ. "Nhưng từ khi ở khách sạn, tôi quan tâm hơn đến giá trị lâu dài của đồ đạc", cô chia sẻ.
"Lối sống này khiến tôi chú ý hơn đến môi trường và sẵn sàng loại bỏ những thứ không cần thiết".
Nhật Minh (Theo Sixthtone)