Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 27/3 cho biết liên minh ủng hộ Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga và sẽ giúp đảm bảo nền hòa bình lâu dài, gồm cả việc một số quốc gia triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine hậu xung đột.
Ông Macron cùng ngày nhóm họp với lãnh đạo của gần 30 quốc gia cùng lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu (EU) tại Paris để thảo luận về xung đột Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột và tiến hành các cuộc đàm phán riêng với Nga, Ukraine, gần như gạt châu Âu sang một bên.
Tại hội nghị, ý tưởng triển khai lực lượng đảm bảo hòa bình tới Ukraine được Anh và Pháp nêu ra. Nhưng sau ba giờ thảo luận, hai nước không nhận được thêm bất cứ cam kết nào với ý tưởng này từ các thành viên. Italy chỉ muốn gửi quân nếu đây là một phần sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Các nước khác như Ba Lan, Hy Lạp bác bỏ hoàn toàn ý tưởng triển khai quân đến Ukraine.
"Lực lượng đảm bảo là đề xuất của Anh và Pháp. Ukraine mong muốn điều này và một số quốc gia ghi nhận đề xuất, bày tỏ sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, nó không đạt được đồng thuận và đó là điều có thể đoán trước. Chúng tôi sẽ làm điều đó mà không cần sự đồng thuận", ông Macron nói sau cuộc họp.

Binh sĩ Pháp tham gia nhiệm vụ của NATO ở Rukla, Litva năm 2018. Ảnh: AFP
Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao châu Âu cho hay các lãnh đạo khu vực được cho là đang cân nhắc những thách thức với ý tưởng triển khai quân theo đề xuất của Anh và Pháp, trong lúc quan hệ Mỹ - Nga dưới thời chính quyền Tổng thống Trump dần cải thiện và quân đội Ukraine đang bị đẩy lùi trên chiến trường.
"Họ đang lùi một bước trong ý tưởng triển khai quân đội và cố gắng thay đổi những thứ đang làm thành kế hoạch hợp lý hơn", một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói.
"Khi Ukraine ở vị trí tốt hơn trên chiến trường, ý tưởng điều quân đến nước này nghe hấp dẫn hơn. Nhưng với tình hình trên thực địa và chính quyền Mỹ hiện tại, nó không thu hút lắm với các nước châu Âu", một người khác nói.
Ông Macron cho biết lực lượng châu Âu sẽ không được triển khai tới tiền tuyến và cũng không đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp giám sát hay thực thi lệnh ngừng bắn. Tổng thống Pháp nói nhiệm vụ đó có thể thuộc về lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc hoặc các giám sát viên độc lập, trong khi lực lượng châu Âu đóng quân xa tiền tuyến hơn, có vai trò ngăn chặn nếu Nga phát động chiến dịch mới. Đồng thời, lực lượng châu Âu cũng sẽ giúp huấn luyện và hỗ trợ quân đội Ukraine.
Ông Macron nói Pháp và Anh sẽ cử các phái đoàn quân sự đến Ukraine để vạch kế hoạch cho tương lai quân đội nước này, cũng như quy mô và phạm vi của lực lượng đảm bảo. Kế hoạch chi tiết dự kiến có sau ít nhất một tháng.
Quan chức Anh từng nhận định việc xây dựng lực lượng đủ sức đóng vai trò răn đe sẽ cần 10.000-30.000 binh sĩ và đây sẽ là nỗ lực tương đối lớn với các quốc gia châu Âu vốn đã cắt giảm quy mô quân đội sau Chiến tranh Lạnh, theo giới phân tích.
Một trong những lý do khiến nhiều nước châu Âu ngần ngại với ý tưởng triển khai quân đội tới Ukraine là hiện không rõ liệu ông Trump có đồng ý để lực lượng và cơ quan tình báo Mỹ hỗ trợ họ hay không.
Ông Macron cho rằng họ có thể phải hành động mà không có giúp đỡ từ Mỹ. "Bạn phải hy vọng vào điều tốt nhất, nhưng hãy chuẩn bị cho tình huống tệ nhất. Hy vọng của tôi là người Mỹ sẽ ủng hộ và thậm chí đóng vai trò tích cực trong quá trình này. Nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho tình huống họ không tham gia", ông nói.
Tại London, một số kịch bản triển khai quân đến Ukraine để đảm bảo cho lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình đang được nghiên cứu, song tất cả đều đòi hỏi hỗ trợ từ Mỹ. Ngay cả việc tạm dừng giao tranh dọc tiền tuyến cũng sẽ cần vệ tinh của Mỹ giám sát theo thời gian thực.
Quan chức Pháp và Anh cho hay họ cũng muốn có hỗ trợ từ các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cho lực lượng bộ binh triển khai tới Ukraine, cũng như các phương thức hậu cần khác như tiếp liệu trên không và vận tải cơ quân sự.
Trong khi đó, Nga kiên quyết phản đối ý tưởng triển khai lực lượng châu Âu ở Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói đề xuất đó "hoàn toàn không phù hợp".
"Chúng tôi không quan tâm lực lượng các nước NATO có thể được đưa tới Ukraine dưới hình thức nào, có thể là Liên minh châu Âu (EU), NATO hay của riêng các nước. Trong mọi trường hợp, nếu họ xuất hiện ở Ukraine, điều đó đồng nghĩa họ triển khai tới khu vực xung đột và sẽ được coi là bên tham chiến", ông Grushko nói.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo D-30 122 mm nhằm vào vị trí lực lượng Nga ở tỉnh Zaporizhzhia ngày 11/1. Ảnh: AFP
Ngoài thiếu hỗ trợ từ Mỹ, nhiều nhà ngoại giao châu Âu còn lo ngại các vấn đề như chi phí, nhân lực và trang thiết bị lớn để triển khai đội quân lớn duy trì hòa bình ở Ukraine. Các nước lo lắng ý tưởng có thể dẫn tới xung đột trực tiếp với Nga, cũng như sẽ bị Moskva và Washington coi là những trở ngại chấm dứt xung đột, như điều mà một số quan chức Nga cáo buộc gần đây.
Mỹ cho đến nay chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào với ý tưởng về lực lượng đảm bảo hòa bình của châu Âu. Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump về Nga, tuần trước bác bỏ đề xuất của Anh và Pháp, nói ý tưởng lực lượng gìn giữ hòa bình bắt nguồn từ quan điểm "vô lý" rằng người Nga sẽ "càn quét khắp châu Âu".
Thùy Lâm (Theo WSJ, Newsweek, AP)