Nhiều người thiếu chuẩn bị cho cuộc sống về già
Ông Sáu (quận 3, TP HCM) thường kể với các bạn đồng niên tại quán cà phê đầu hẻm: "Con gái tôi giỏi lắm, nó làm kiểm toán công ty lớn, thu nhập mỗi tháng rất khá, chăm sóc tôi chu đáo". Những người bạn của ông nghe xong đều tấm tắc khen ông có đứa con hiếu thảo.
Nhưng sau khi có con nhỏ, con của ông Sáu phải xin nghỉ công việc kiểm toán vì đòi hỏi di chuyển nhiều, khiến cô khó có thời gian chăm sóc gia đình. Con gái không có thu nhập, phụ thuộc vào chồng. Ông cũng không muốn cậy nhờ, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho con.
Nhiều người có tâm lý "trẻ cậy cha, già cậy con". Khi còn trẻ, con cái được chở che trong vòng tay cha mẹ; đến tuổi "xế chiều", con cháu là nơi nương tựa để cậy nhờ của đấng sinh thành. Điều này thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm của những người thân trong gia đình với nhau. Tuy nhiên, việc phụ thuộc, trông đợi quá nhiều vào người khác đôi khi có thể khiến chính bản thân thiếu sự chủ động chuẩn bị cho cuộc sống lúc về già.
Với người trẻ, đôi lúc cũng chưa bận tâm cho cuộc sống sau này. Ở tuổi 32, anh Nhựt Minh (quận Phú Nhuận, TP HCM) thường nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên chẳng lo lắng quá nhiều cho tương lai. Tự tin về tuổi trẻ đầy cơ hội và khả năng làm việc, anh dành những khoản tiền khá lớn cho sở thích âm nhạc của mình. Đến khi Covid-19 xảy ra, thu nhập từ công việc chính bị cắt giảm, công việc làm thêm cũng không còn.
Chuẩn bị tài chính rất cần thiết vì không thể biết rủi ro phát sinh. Bệnh tật, dịch bệnh, thiên tai... có thể khiến cho công việc bị ảnh hưởng. Nhiều người dù còn khỏe mạnh, muốn làm việc nhưng khó có thể tìm được việc làm phù hợp. Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, anh Minh vẫn còn trẻ để có thể xoay sở và thiết kế lại kế hoạch tương lai.
Thay đổi cách nghĩ để vui sống
Tâm lý "cậy nhờ" là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chuẩn bị của người Việt khi tuổi già ập đến. Tương lai của bản thân và cuộc sống của con cháu sẽ nhẹ nhàng hơn nếu từ bây giờ, mỗi người dự phòng tài chính.
Biến động cuộc sống là điều khó tránh. Nếu phụ thuộc vào thế hệ sau quá nhiều dễ tạo áp lực cho con cháu khi vừa chăm sóc gia đình nhỏ vừa cáng đáng nhiều thứ cho cha mẹ, ông bà.
Học cách lên kế hoạch từ hôm nay giúp bạn "độc lập tuổi già" - khái niệm được nhắc đến trong dự án gần đây của Prudential. Dự án đề cập độc lập ở 3 khía cạnh sức khỏe, tinh thần, tài chính với mong muốn chung tay giải quyết thách thức của xã hội để già hóa không phải là gánh nặng.
Trong khảo sát "Cuộc sống độc lập khi về già" do Prudential phối hợp cùng Kantar vừa thực hiện, 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Tuy nhiên, chỉ 40% người tham gia khảo sát cảm thấy tự tin có thể đạt các kỳ vọng có được một tuổi già độc lập ở 3 khía cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.
Khảo sát còn chỉ ra rằng, sức khỏe thể chất là mối bận tâm lớn nhất của người Việt khi về già (chiếm 59%). Cứ 5 người thì có một người lo ngại cô đơn khi cao tuổi, qua đó cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần - mối quan tâm thứ 2 của người Việt, trước cả các vấn đề tài chính.
Phó giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long, Viện trưởng Chính sách Công và Quản lý Kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc Dân) cho biết, dân số già tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị thích ứng với nó như thế nào. Xã hội già hóa thành công phải đảm bảo ba yếu tố cho người cao tuổi là kinh tế, sức khỏe, tham gia các hoạt động xã hội.
Chuẩn bị tốt về thu nhập, an sinh xã hội; chú trọng chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ giúp tránh những bệnh mạn tính, không lây nhiễm ngày càng phổ biến ở tuổi già. Người cao tuổi cần được vui chơi, hòa nhịp với xã hội để luôn chủ động trong cuộc sống.
Để chủ động cho cuộc sống sung túc, an nhàn, tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ vẫn là cách tốt nhất cho kế hoạch nghỉ hưu, nhất là nhóm đối tượng có ý định nghỉ hưu sớm. Mỗi tháng, trích ra một khoản thu nhập để dành hoặc gửi ngân hàng, mua vàng, còn muốn số tiền sinh lời có thể gửi tiết kiệm hàng năm hoặc đầu tư.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều người tham gia khảo sát, khi 49% người cho rằng muốn tích lũy, để dành tiền (gửi tiết kiệm, ngân hàng, dành dụm tiền mặt, tích trữ vàng...); 44% lên kế hoạch tài chính cụ thể (ví dụ cần bao nhiêu tiền khi đến tuổi 45, 50 để làm nhiều điều bản thân mong muốn); 33% đầu tư sinh lời (ví dụ bất động sản, đầu tư cổ phiếu, chứng khoán, kinh doanh...).
Ngọc An
Khảo sát "Cuộc sống độc lập khi về già" do Prudential Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Kantar Việt Nam tìm hiểu các mối quan tâm, sự kỳ vọng cũng như mức độ sẵn sàng và tự tin của người Việt cho cuộc sống độc lập khi về già, dựa trên 3 khía cạnh gồm sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.
Khảo sát là bước đi đầu tiên của Prudential trong việc chung tay giải quyết các thách thức của xã hội để già hóa không phải là gánh nặng, giúp người dân có kế hoạch chuẩn bị tốt hơn để tăng mức độ tự tin cho cuộc sống độc lập khi về già.