Theo đại diện TPBank, trong năm 2020, chuyển đổi số đã giúp ngân hàng tăng 24,47% tổng giá trị tài sản so với năm 2019, vượt hơn 14% kế hoạch năm.
Ông Tống Văn Tiến - Giám đốc đổi mới số, khối công nghệ thông tin của TPBank cho biết, một trong những bước chuyển đổi số mang lại hiệu quả của ngân hàng là áp dụng trợ lý robot ảo để nâng cao hiệu suất lao động và tiết kiệm chi phí.
Đến nay, nhà băng này đã triển khai 75 trợ lý robot ảo, sử dụng công nghệ RPA (giải pháp robot phần mềm tự động hóa) dựa trên giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp akaBot của FPT Software - đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT.
"Với trợ lý robot ảo, chúng tôi có thể tận dụng, tối ưu, hoạt động ở từng quy trình khác nhau, đảm bảo hoạt động 24/24", ông Tiến giải thích.
Để đạt hiệu quả trong chuyển đổi số, đại diện TPBank cho rằng thay vì chỉ chọn mua giải pháp, việc tìm được người đồng hành có thể hiểu bài toán kinh doanh, áp dụng công nghệ để khai thác, sử dụng được mới là điều quan trọng.
"Với mức đầu tư không lớn, chúng tôi đạt được kết quả thành công gấp hai lần so với giá trị đầu tư, tiết kiệm được khoảng 45 nhân sự", ông Tiến khẳng định.
Trong năm 2021, ngân hàng dự kiến tiếp tục triển khai thêm 145 robot mới dựa trên akaBot. Với số robot tăng gấp đôi năm trước, TPBank kỳ vọng hiệu suất tác vụ mà robot xử lý sẽ tăng lên 20-30%.
Đại diện FPT Software cho biết akaBot là sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ Việt, thấu hiểu văn hóa, cách vận hành của doanh nghiệp trong nước, đồng hành cùng khách hàng chuyển đổi số. Theo đó, akaBot đưa ra bộ giải pháp gồm tư vấn, triển khai, đào tạo dựa trên những mong muốn và vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải...
"Có thể nói akaBot là sản phẩm may đo cho từng doanh nghiệp hơn là chỉ đưa ra một công nghệ, nền tảng may sẵn kiểu đại trà", đại diện FPT Software nói.
Hiện trợ lý robot ảo của akaBot còn ứng dụng hiệu quả tại 20 doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành nghề tại các quốc gia như Mizuho Bank, Panasonic, DIP, SCSK...
Sử dụng công nghệ lõi RPA (Robotics Process Automative), các robot ảo của akaBot có khả năng mô phỏng thao tác của con người, thực hiện nhiều tác vụ trong vận hành doanh nghiệp. Theo đại diện FPT Software, thống kê sử dụng tại 20 doanh nghiệp cho thấy giải pháp trợ lý robot ảo giúp doanh nghiệp tăng 80% năng suất, tiết kiệm 60% chi phí và 80% thời gian vận hành.
Ông Bùi Đình Giáp - Giám đốc akaBot của FPT Software cho rằng việc đưa robot vào thay thế những công việc lặp đi lặp lại sẽ giúp giải phóng con người khỏi những việc nhàm chán, dành thời gian cho những việc sáng tạo. Trong Covid-19, akaBot còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhân sự, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp trong bình thường mới.
"Trong tương lai, RPA sẽ mô phỏng thao tác của con người với độ chính xác, tốc độ cao giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, đem lại hiệu suất làm việc tối đa", ông Bùi Đình Giáp tin tưởng.
Đây cũng là giải pháp đạt giải thưởng "Sản phẩm số xuất sắc" được Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải vào cuối năm 2020, được tổ chức Gartner đưa vào danh sách Peer Insights cùng 20 hãng hàng đầu thế giới như UIPath, Automation Anywhere, Blue Prism.
Giải pháp akaBot nằm trong hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của FPT giúp doanh nghiệp, tổ chức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực để vượt qua thách thức. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 50% năm 2020, hệ sinh thái sản phẩm FPT là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn dài hạn quan trọng của tập đoàn.
Trong báo cáo mới của Grand View Research, quy mô thị trường tự động hóa quy trình robot toàn cầu dự kiến đạt 25,56 tỷ USD vào năm 2027, mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng kép (CAGR) là 40,6% trong giai đoạn dự báo.
Hà Thanh (Ảnh: FPT)