Bước chân vào bảo tàng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), thay vì tìm kiếm hướng dẫn viên, khách tham quan đều bất ngờ trước sự xuất hiện của trợ lý ảo công nghệ.
"Xin chào, tôi là Tương lai. Rất hân hạnh được đón tiếp các bạn", giọng nói vang lên từ robot công nghệ khiến người xem thích thú. Hướng dẫn viên ảo cho biết, bảo tàng được chia thành nhiều khu vực, thể hiện các giai đoạn phát triển, những bước ngoặt lịch sử và những dấu ấn nổi bật của tập đoàn.
Bên cạnh đó, khách tham quan có thể lựa chọn đa ngôn ngữ. "Tôi sẽ là người bạn đồng hành kể cho các bạn lịch sử tập đoàn", trợ lý ảo nói thêm.
Trợ lý ảo có tên "Tương lai" là một trong những ứng dụng công nghệ trong bảo tàng Viettel Museum, khai trương hôm 1/6, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan bảo tàng công nghệ số của Viettel vào ngày 1/6.
Bên cạnh đó, tập đoàn còn ứng dụng công nghệ thực tế ảo, mô phỏng 3D hay công nghệ tương tác... giúp người tham quan có trải nghiệm trực quan nhất. Chỉ cần chạm và vuốt trên những màn hình, mọi người có thể tìm hiểu hình ảnh, thông tin... về những sự kiện, sự vật, cá nhân ở Viettel thay vì cần hướng dẫn viên giải thích.
Đại diện Viettel cho biết, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm bảo tàng hiện đại. Nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ từ sớm, trong đó, thực tế ảo được ưa chuộng nhất.
Thực tế ảo (virtual reality - VR) là một hệ thống mô phỏng trong đó đồ họa máy tính được sử dụng để tạo ra một thế giới "như thật". Thế giới "nhân tạo" này không tĩnh tại, thay vào đó, nó có sự phản ứng, thay đổi theo ý muốn của người sử dụng nhờ vào hành động, lời nói...
Thông qua đó, máy tính có khả năng nhận biết được tín hiệu vào của người sử dụng và thay đổi lập tức thế giới ảo. Người sử dụng nhìn thấy sự vật thay đổi trên màn hình ngay theo ý muốn của họ và bị thu hút bởi sự mô phỏng này.
Sự tương tác này khiến cho người sử dụng trở thành một phần trong thế giới nhân tạo. VR cũng có khả năng đẩy cảm giác thật hơn nhờ tác động lên các giác quan con người. Ví dụ, người sử dụng có thể sờ và cảm nhận vật thể bên cạnh việc nhìn thấy đối tượng đồ hoạ 3D, điều khiển (xoay, di chuyển...).
Nhiều nơi trên thế giới như Bảo tàng ôtô Peterson, Bảo tàng Quốc gia Phần Lan... đã sử dụng VR để giới thiệu các bộ sưu tập, hiện vật vào cuộc sống. Chẳng hạn, tại Bảo tàng Quốc gia Phần Lan, khách tham quan có thể quay ngược thời gian về quá khứ khi khám phá bức tranh The Opening of Diet 1863. Thiết bị VR cho phép họ cảm giác như đang bước vào bên trong tranh, thậm chí có thể nói chuyện với các nhân vật.
Hiện tại, ở Việt Nam, những công nghệ tiên tiến như VR vẫn chưa được phổ biến trong việc ứng dụng vào trong bảo tàng. Đây cũng là một trong những khó khăn được phía Viettel đưa ra trong quá trình thiết kế và xây dựng bảo tàng.
"Tập đoàn mất gần một năm để xây dựng bảo tàng công nghệ số với ứng dụng những công nghệ của tương lai. Bảo tàng sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong một năm tới nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn công nghệ cao của các nước phát triển", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Tâm Anh