Đầu tháng 10, Tập đoàn Masan công bố, Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD - đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào doanh nghiệp này.
Đây là dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam. Theo Masan, thương vụ thể hiện sự tin tưởng của Bain Capital vào tiềm năng tăng trưởng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam cũng như khả năng của Masan trong việc phục vụ 100 triệu người tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tài chính trong hệ sinh thái.
Với số tiền từ thương vụ giao dịch cùng Bain Capital và các nhà đầu tư tiềm năng khác, Masan sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu trở thành một tập đoàn sở hữu nền tảng tiêu dùng bán lẻ, hướng đến tăng trưởng xuyên suốt chuỗi giá trị tiêu dùng.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc của Masan Group cho biết: "Giao dịch hợp tác cùng Bain Capital là sự ghi nhận nỗ lực của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Masan đã không ngừng triển khai các sáng kiến, đầu tư lấy người tiêu dùng làm trọng tâm để đạt được 80% thị phần chi tiêu của người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Bain Capital để thúc đẩy tầm nhìn này, trở thành nền tảng đáp ứng vạn nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng">
Lãnh đạo Masan kỳ vọng giao dịch với Bain Capital sẽ hoàn tất trong năm 2023 và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác. Đại diện doanh nghiệp cũng tiết lộ, các nhà đầu tư khác đang mong muốn đàm phán với Masan, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của cũng như điều kiện thị trường, Masan có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Thời gian qua, Masan thể hiện rõ tầm nhìn tăng trưởng bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, công ty cao cấp hóa sản phẩm, đặt sức khỏe người tiêu dùng làm trọng tâm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh của Masan Consumer Holdings. Doanh nghiệp dịch chuyển từ sản phẩm không có thương hiệu sang sản phẩm thịt có thương hiệu với chất lượng cao hơn, do Masan MEATLife cung cấp. Công ty cũng chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại, được tăng tốc nhờ nền tảng bán lẻ WinCommerce. Chương trình Hội viên WIN, nền tảng trung tâm của Masan giúp tạo cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng, đồng thời đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của công ty hiện đạt 7 triệu hội viên. Doanh nghiệp đặt mục tiêu nâng con số này lên 10 triệu vào cuối năm nay, 30 triệu vào năm 2025.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 7, JP Morgan cho rằng với lực lượng lao động đang di chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới. Ngoài ra, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng gia tăng định giá trong nhiều năm tới.
Tập đoàn tài chính này cho rằng thị trường tiêu dùng khó khăn nửa đầu năm là cơ hội mua tốt cho tăng trưởng hấp dẫn trong nhiều năm tới của cổ phiếu Masan (MSN). JP Morgan đưa giá mục tiêu tháng 12/2024 cho cổ phiếu MSN là 102.000 đồng, mức tăng tiềm năng khoảng 38% so với mức giá 73.800 đồng của ngày 11/10. P/E mục tiêu cho năm 2024 là 34 lần và EV/EBITDA là 12 lần.
JP Morgan đánh giá Masan đang tạo dựng hệ sinh thái tiêu dùng mạnh mẽ, giúp gia tăng thị phần khách hàng, và công ty định vị là một trong những đại diện xuất sắc của ngành tiêu dùng Việt Nam. "Chúng tôi lạc quan về cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, nơi Masan dẫn đầu về số lượng điểm bán và đang tiếp tục mở rộng thị phần", báo cáo của JP Morgan cho biết.
Theo báo cáo tài chính được công bố, tổng tài sản của Masan tính đến hết quý 2/2023 là 140.858 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 37.524 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng doanh thu của Masan ghi nhận mức 37.315 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này với mảng bán lẻ WinCommerce là 1,5%, Masan Consumer là 11,6% và Masan MEATLife là 70,2%.
Từ khi tiếp quản hoạt động kinh doanh từ Vingroup vào năm 2019, MSN đã đẩy mạnh tăng 7% thị phần trong lĩnh vực bán lẻ thương mại hiện đại đồng thời cải thiện biên EBITDA lên tới 10%.
Trước Bain Capital, nhiều quỹ đầu tư toàn cầu khác như KKR hay TPG cũng chọn Masan là khoản đầu tư chiến lược và đầu tiên của họ tại thị trường Việt Nam.
Vào tháng 4/2011, KKR đã chi 159 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần Masan Consumer. Năm 2013, KKR tiếp tục rót thêm 200 triệu USD vào Masan Consumer qua việc mua hơn 22,84 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ (100 triệu USD) và mua lại cổ phần từ các cổ đông cũ của Masan Consumer (100 triệu USD). Năm 2017, KKR tiếp tục đầu tư 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri-Science để sở hữu 7,5% cổ phần và 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners.
Trong vòng 12 tháng qua, Masan cũng thu hút thành công khoản vốn 1,25 tỷ USD thông qua gói tín dụng hợp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và United Overseas với thời hạn 5 năm, giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn và củng cố thanh khoản.
Thành lập năm 1984, Bain Capital có kinh nghiệm đầu tư vào cổ phần tư nhân, tín dụng, các thương vụ đặc biệt, vốn cổ phần đại chúng, vốn mạo hiểm và bất động sản. Theo thông tin trên website chính thức của Bain Capital, tính đến nay, quỹ đầu tư này đã thực hiện hơn 1.100 khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao ở các lĩnh vực đầu tư cốt lõi là tiêu dùng, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, dịch vụ tài chính và kinh doanh, giúp tạo ra giá trị lâu dài cho các nhà đầu tư, nhóm, doanh nghiệp và cộng đồng.
Hoàng Anh