Hùng Anh, sinh năm 1991, ở Hà Nội, mê mẩn một loại miếng dán màn hình "nano siêu cường lực" trên Facebook. Anh đã bỏ ra 250.000 đồng để đặt mua. Theo video quảng cáo, sau khi dán sản phẩm này lên điện thoại, "búa đập vào màn hình cũng không vỡ", "thả rơi hàng chục lần cũng không sao". Tuy nhiên, sau khi nhận được hàng, anh thấy nó không khác nhiều so với các miếng dán màn hình trước đó từng sử dụng nhưng có vẻ dày hơn. Độ nhạy cảm ứng trên smartphone cũng bị giảm đôi chút sau khi dán lên.
Sử dụng được hơn một tháng, trong một lần vô tình làm rơi điện thoại xuống sàn nhà, chiếc iPhone của anh đã bị nứt màn hình phía trong. Miếng dán "siêu cường lực" đã không hoàn thành được nhiệm vụ như lời quảng cáo.
Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng bán phụ kiện điện thoại trên đường Láng (Hà Nội), gần như không có loại dán màn hình nào đảm bảo cùng một lúc nhiều yếu tố giống như trong các quảng cáo trên mạng xã hội. Anh cho biết các tiêu chí như siêu mỏng (0,1mm), hiển thị hình ảnh với độ nét 100%, loại bỏ tia UV đồng thời còn chịu được lực tác động mạnh như "búa đập kéo đâm" khó có thể tồn tại trên một miếng dán điện thoại. "Nếu thực sự tồn tại, miếng dán như vậy không có giá hai, ba trăm nghìn đồng", anh nói.
Chị Hương, ở Phú Thọ, cũng có một trải nghiệm tương tự. Muốn treo giá để đồ nhưng không thích khoan hay đóng đinh vào tường phòng ngủ, chị lên mạng tìm kiếm một "giải pháp công nghệ cao". Cuối cùng, chị xem được quảng cáo về loại "keo dán siêu chắc, siêu bền", có thể "dán đủ mọi loại vật liệu từ gỗ, đá, kim loại cho tới bê tông", "vừa chắc chắn vừa dễ tháo lắp". Tin tưởng vào video giới thiệu sản phẩm, chị đã đặt hàng online một lọ keo với giá 189.000 đồng, sau khi đã giảm giá 50% trong đợt sale-off của người bán. Tiếc rằng khi đem ra sử dụng, chiếc giá treo bằng sắt sau khi được phết keo, chỉ có thể treo được một số món đồ nhẹ như mũ, nón hay túi xách. "Treo nhiều quần áo lên một chút là bị rơi ra, do keo dán không đủ chắc. Thế mà trên video quảng cáo tôi thấy người ta đu được hẳn lên mấy chiếc móc dán bằng keo này", chị chia sẻ.
Không chỉ ở Việt Nam, hiện tượng quảng cáo quá mức và sai lệch về công dụng, tính năng của các sản phẩm đồ công nghệ, gia dụng cũng khá phổ biến trên thế giới. Cách đây không lâu, loạt video giới thiệu về băng dính chống nước, chống thấm có tên Flex Tape cũng tạo nên một cơn sốt trên Internet. Chỉ cần một đoạn băng dính, tất cả mọi lỗ thủng trên bể cá, thùng đựng nước, lỗ thủng trên vòi tưới cây... đều có thể xử lý. Theo quảng cáo, loại băng dính này thậm chí có thể dán lại hai nửa của một con thuyền bị cắt đôi. Trên YouTube, các video thử nghiệm để xác định lại độ chân thực của loại băng dính trên thu hút hàng triệu lượt xem.
Kết quả chung của đa số người đã thử nghiệm cho thấy loại băng dính này có tác dụng nhất định khi xử lý những lỗ thủng hay vết nứt nhỏ và vừa, ở trên các bề mặt phẳng. Với các trường hợp khó, như vị trí lỗ thủng lồi lõm, vết nứt ở dưới sâu nơi có áp lực nước cao, loại băng dính này hoàn toàn vô tác dụng. Trên trang bán hàng trực tuyến Amazon, Flex Tape có điểm số 3/5 theo đánh giá từ những người đã mua hàng. Số người dùng đánh giá sản phẩm này một sao cũng nhiều gần bằng số người đánh giá 5 sao.
"Loại băng này chắc chắn có khả năng kết dính, tuy nhiên nó không tốt như quảng cáo. Chúng tôi đã mua để dùng cho hồ bơi gia đình, nhằm vá hai lỗ thủng nhỏ. Tôi đã thử dùng cả khi ướt lẫn khô (tháo cạn nước), vấn đề đều không được giải quyết", người dùng có tên TJ viết trong phần bình luận sản phẩm Flex Tape trên Amazon. Anh đánh giá sản phẩm này một sao, là mức thấp nhất.
"Tôi nghĩ rằng những đánh giá cao và quảng cáo thương mại về sản phẩm này là dối trá. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng trong một số trường hợp, như việc dán kín lỗ thủng trên chiếc bể sục bơm hơi của mình. Ít nhất nó cũng tốt hơn các loại keo dán tôi từng thử trước đó", một người phụ nữ cũng để lại nhận xét ngay phía bên dưới. Cô đánh giá sản phẩm 3 sao, ở mức trung bình.
Flex Tape cũng đang được nhiều người Việt quảng cáo và rao bán trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, với các mức giá khá đa dạng, từ 60.000 tới 250.000 đồng. Trong khi đó trên Amazon, giá bán chính hãng một cuộn băng dính này là 13 USD, tương đương 300.000 đồng.
Tại Việt Nam, các cửa hàng online trên mạng xã hội hay chợ điện tử đang bán những loại sản phẩm "siêu rẻ, siêu khỏe, siêu dính, siêu bền" này có nhiều đặc điểm chung. Đầu tiên là người bán kiểm soát và chặn tất cả bình luận trái chiều, chê hay nói xấu về sản phẩm. Tiếp đó, người dùng cũng khó nhìn thấy thông tin phản hồi của những người đã mua sản phẩm trước đó. Nếu có thì cũng là các tài khoản ảo không có thông tin cá nhân, hoặc là những tài khoản của người bán hàng online khác.
Nhiều người bán chạy quảng cáo cho các nội dung này nhằm tiếp cận tối đa lượt xem, nhưng sản phẩm được giới thiệu, bằng hình ảnh hay video lại không thể hiện rõ thông tin chi tiết về nhà sản xuất, thậm chí tên gọi hay thời hạn sử dụng. Cuối cùng, thông tin về địa chỉ cụ thể của các cửa hàng cũng không rõ ràng hoặc thiếu chính xác.
Chị Hương, người mua keo "siêu dính", cho biết trong đoạn video quảng cáo về loại keo mà mình mua, không có tên gọi cũng như xuất xứ của sản phẩm. Hình ảnh tuýp keo chỉ được quay thoáng qua một cách vội vã. Khi kiểm tra địa chỉ của cửa hàng theo giới thiệu, chị thấy nó trùng với một bệnh viện trong TP HCM.