"Tất cả mọi người trong gia đình tôi đã bị giết trong vụ thảm sát Mỹ Lai - mẹ tôi, cha tôi, anh và ba em gái của tôi", Tuyết nói. Khi đó chị mới 8 tuổi. "Chúng ném tôi vào một cái hố đầy xác người chết. Khắp mình tôi đầy máu và những mảnh thịt".
Tuyết cùng hơn 1.000 người đã tới dự lễ tưởng niệm hơn 500 nạn nhân bị giết trong vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, hôm qua. Tội ác chiến tranh do một đại đội lính Mỹ gây ra ngày 16/3/1968, các nạn nhân đều là người già, phụ nữ và trẻ em. Khi vụ việc lộ ra, người Mỹ kinh sợ và phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam bùng lên mạnh mẽ.
Những đứa trẻ chơi đùa bên tượng con bò tại ngôi nhà được biến thành bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: AP. |
Dự lễ tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai có các cựu binh Mỹ, những nhà hoạt động vì hòa bình và những người sống sót trong vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
"Tôi rất tức giận trước hành động giết người hàng loạt đó, cả ở Mỹ Lai, Hiroshima và Nagasaki", Fujio Shimoharu, 74 tuổi, đến từ Nhật Bản, cho biết. "Tôi đến đây để gửi thông điệp hòa bình tới thế giới".
Shimoharu nói rằng ông có mối đồng cảm lớn với những người sống sót sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai như Tuyết. Buổi sáng cách đây 40 năm, Tuyết và mọi người trong nhà chuẩn bị đi làm đồng thì lính Mỹ ập đến. Chúng đốt nhà và đẩy họ xuống một con mương cùng hơn 100 người khác.
Tuyết đã mất cha mẹ và 4 anh chị em trong buổi sáng hôm đó. Đứa em út mới 4 tuổi khi đó của Tuyết bị bắn chết khi đang ăn sáng, trong miệng còn ngậm đầy cơm.
Bốn thập kỷ đã qua, nỗi đau vẫn còn đó nhưng Tuyết đã cố gắng tạo dựng cuộc sống. Chị đã trở thành dược sĩ, kết hôn và có hai người con.
Do Ba, một người nữa sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, cũng đã xây dựng cuộc sống mới từ đau thương. Ba mất mẹ và hai anh chị trong sự kiện kinh hoàng đó. Giờ đây, anh sống cùng vợ và đứa con gái 14 tháng tuổi tại TP HCM và làm việc cho một công ty điện tử.
Ba đã tái ngộ với Larry Colburn, người đã cứu anh cách đây 40 năm. Colburn khi đó phụ trách súng trên chiếc trực thăng đã hạ cánh xuống Mỹ Lai và ngăn đồng ngũ giết hại dân thường.
"Tôi vừa gặp Do Ba cùng vợ và con gái anh ấy", Colburn cho biết. "Anh ấy đã thay đổi, không còn là người đàn ông cô đơn và tuyệt vọng nữa. Anh ấy là minh chứng cho ý chí và khát vọng sống".
Bên trong một ngôi nhà ở Mỹ Lai, Trần Thị Oanh hồi tưởng lại những gì đã diễn ra. Oanh khi đó 8 tuổi đã bị bắn vào chân khi lính Mỹ đến nhà.
"Tôi giả vờ chết để tên lính không bắn nữa", chị nhớ lại. "Sau đó tôi bò đến nhà dì, và nhìn thấy cả 6 người trong gia đình dì đã bị giết. Ngôi nhà thì đang cháy. Mọi thứ đều chuyển sang màu đen, kể cả màu da của những xác người. Chẳng còn lại gì hết".
Oanh đã bò ra góc phố và nhìn thấy thi thể của một cụ bà. Chị bò tiếp và gặp một tên lính đang chĩa súng vào người chị. "Tôi kinh hãi và lại nằm xuống giả vờ chết", Oanh kể lại. Khi được hỏi có tha thứ cho những binh sĩ đã giết hại gia đình chị không, người phụ nữ gần ngũ tuần này nhìn trân trối vào hư không và lạnh lùng đáp: "Xin lỗi. Tôi không thể".
Nỗi đau vẫn còn đó và một nhóm các nhà hoạt động vì hòa bình của Mỹ đang hàn gắn lại vết thương mang tên Mỹ Lai.
Khoảng 100 học sinh tiểu học mặc áo trắng quàng khăn đỏ hằng ngày chơi đùa tại ngôi trường do tổ chức Madison Quakers giúp xây dựng. Hiệu phó Trần Anh Tùng cho biết anh coi đây là nơi người dân Mỹ Lai nhìn vào tương lai.
"Chúng tôi không bao giờ quên rằng lính Mỹ đã bắn giết dân thường Việt Nam", ông Tùng nói. "Nhưng đó là quá khứ. Giờ đây chúng tôi coi mọi người là bạn và tốt nhất là chung sống hòa bình để thế giới này tốt đẹp hơn".
Ngọc Sơn (theo AP)